Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cao Bằng: Bé trai hai tuổi bị chó cắn rách mặt, đầu

(VOH) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận cấp cứu bé 2 tuổi trú tại thành phố Cao Bằng bị chó (nhà nuôi) cắn gây tổn thương nghiêm trọng vùng đầu, mặt.

Ngày 14/12, một bé trai được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng trong tình trạng hoảng loạn. Vùng mặt có nhiều vết thương sâu, chảy máu. Bé ngay lập tức được các bác sĩ cấp cứu cầm máu, giảm đau, băng bó vết thương và chuyển phẫu thuật cấp cứu, tiêm vắc xin phòng dại.

Sau phẫu thuật, hiện tại, tình trạng sức khỏe của bé ổn định nhưng cần theo dõi thêm.

chó cắn
Bé trai bị chó cắn vào cùng mặt đã được cấp cứu ổn định. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng)

Trường hợp trẻ nhỏ bị chó nhà cắn gần đây càng trở nên phổ biến. Điều đáng nói là các bé bị cắn bởi những con chó được nuôi trong gia đình hoặc hàng xóm. Những vật nuôi thường ngày hay gần gũi, thân thiện và người nhà thường không có đề phòng nhiều với chúng.

Ngoài ra, do chiều cao của trẻ gần ngang tầm với miệng con chó, nên những vết thương do chó cắn thường ở vùng đầu cổ. Những vết thương này rất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm trùng cao, thậm chí tử vong.

Qua trường hợp trên các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng khuyến cáo, phụ huynh có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ. Phụ huynh cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong tất cả mọi trường hợp, chó càng lớn thì mức độ gây sát thương cho trẻ càng cao.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, nên rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Tránh làm dập vết thương, không được băng kín. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Xem thêm: Chó cắn - cách xử lý an toàn nhất để không mắc bệnh dại

Người bị chó cắn cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm, chưa có thuốc trị. Nhiều trường hợp tử vong vì không nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh, hoặc chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm.

Theo WHO, khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người. Tuy nhiên, bệnh dại có thể gặp ở cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Bệnh dại lây truyền sang người qua vết cắn hoặc vết trầy xước, thường là qua tuyến nước bọt.

Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Bệnh dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn.

Bình luận