Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cụ bà mắc bệnh dại sau 2 tháng bị chó cắn

VOH - Bệnh nhân 72 tuổi ở Hòa Bình được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng an thần, thở máy. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi dại, uốn ván và sốc nhiễm khuẩn.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 1/4, bệnh nhân bị chó cắn vào chân (chó con mới đẻ được 3 tháng và chưa được tiêm phòng dại). Ngay khi cắn người, con chó đã bị đập chết.

Khi các vết thương chảy máu, bệnh nhân tự sát khuẩn bằng cồn tại nhà. Vì chủ quan, bệnh nhân cũng không đi tiêm phòng dại.

cho-can-180624
Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm

Khoảng 4 ngày nay, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, cảm giác sợ nước, sợ gió, co cứng tay chân 2 lần - 10 phút. Bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế điều trị trong tình trạng thở co kéo cơ hô hấp.

Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng kháng sinh, vận mạch, an thần… Khi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được làm xét nghiệm PCR nước bọt, dịch não tủy có kết quả dương tính với virus dại.

Bệnh nhân được bác sĩ giải thích tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong nên gia đình ký hồ sơ xin về chăm sóc tại nhà.

Bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng tiêm chủng Vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Bình luận