Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dạy trẻ cách xử lý khi bị lạc như thế nào?

(VOH) – Việc trang bị cho con em chúng ta những kỹ năng trong trường hợp bị lạc là rất cần thiết. Điều này giúp chúng tránh bị kẻ xấu lợi dụng và dụ dỗ và tránh các trường hợp tệ hơn có thể xảy ra.

Việc trẻ bị lạc là điều không có bậc cha mẹ nào muốn xảy ra, cho dù chỉ là trong tưởng tượng thôi. Bởi vì chúng ta biết nó kinh khủng thế nào khi mà hàng ngày những thông tin “Tìm trẻ lạc” hay nạn bắt cóc đang ngày một gia tăng.

Đặc biệt, mỗi khi mùa du lịch đến, con bạn có cơ hội được tới nhiều điểm đến đông đúc, mới lạ nhưng cũng không tránh khỏi việc bạn sẽ cảm thấy nơm nớp  lo sợ và bất an. Nhưng thay vì hoang mang, lo lắng cho con, thì ngay từ hôm nay, bạn có thể trang bị những điều cần thiết để nếu lỡ khi con bị lạc, chúng vẫn có cơ hội tìm lại cha mẹ một cách an toàn và loại bỏ được những nguy cơ có thể xảy đến.

Cha mẹ có thể chuẩn bị gì?

  1. Dạy con thuộc các thông tin quan trọng

Ngay từ khi con biết nói, hãy dạy con nhận biết tên của mình bằng câu hỏi: “Con tên là gì?”. Lớn hơn sẽ là những thông tin về tên đầy đủ của bố, mẹ; địa chỉ nhà, số điện thoại theo khả năng nhận thức của trẻ. Đừng lo con không thể học thuộc lòng những thông tin này.

Bộ nhớ của chúng còn “trống” rất nhiều để ghi nhớ những thứ gần gũi xung quanh. Thông tin nào bé không nhớ hết, hoặc nhớ mập mờ thì bạn cần nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hỏi đi hỏi lại nhiều đến khi nào bé chắc chắn mới thôi.

Nếu con bạn còn quá nhỏ để dạy những điều này, hãy viết sẵn thông tin trên ba lô cho con hoặc ghi nó vào một mẩu giấy để nhét vào túi quần hay túi áo cho con trước khi đi chơi.

voh.com.vn-day-tre-cach-xu-ly-khi-di-lac-anh1

Để sẵn thông tin liên lạc trên ba lô của bé nếu bé còn nhỏ chưa học thuộc được (Nguồn: Internet)

  1. Quy ước mật khẩu

“Mật khẩu” là điều quy ước của cha mẹ và con. Nó có thể phát huy tác dụng khi có ai đó nhận là bạn của bố mẹ đến đón con hoặc yêu cầu con mở cửa cho họ.

Mật khẩu không nên chọn những thứ quen thuộc ( ví dụ: món ăn yêu thích của bọn trẻ ai cũng dễ đoán là kem, kẹo, bim bim…). Nó có thể là một cụm từ rất ngớ ngẩn hoặc rất gần gũi như “ngã dập mông” hay liên quan đến một kỉ niệm nào mà chỉ con mới có.

voh.com.vn-day-tre-cach-xu-ly-khi-di-lac-anh2

Quy ước mật khẩu chỉ cha mẹ và bé biết nhưng không được quá quen thuộc (Nguồn: Internet)

  1. Lên kế hoạch an toàn trước khi đi chơi

Bất cứ khi nào ra ngoài, hãy thảo luận với con về kế hoạch an toàn. Đây là những gì con nên làm sau khi thực hiện các bước an toàn và con vẫn chưa tìm thấy bố mẹ. Một ví dụ về một kế hoạch an toàn, đó là nếu đi đến một siêu thị, bạn có thể nói với con bạn rằng nếu con không thể tìm thấy bạn, hãy đến quầy thu ngân số 1.

Nếu con của bạn đi chơi với người lớn khác, ví dụ như đi tham quan với bạn bè hoặc thậm chí là chuyến tham quan trường học, hãy hỏi  người phụ trách kế hoạch an toàn sẽ là gì.

  1. Chơi đóng vai

Trẻ con học được nhiều điều qua trò chơi đóng vai hơn là những lời dặn dò lặp đi lặp lại. Nếu bạn lôi kéo được những người lớn khác trong nhà và những đứa trẻ khác cùng tham gia thì càng tốt. Bạn hãy cho bé trực tiếp tham gia trò chơi “Bé đi lạc” và để bé tự mình trải nghiệm.

Khi đó, bạn hãy bình tĩnh ngồi bên cạnh để quan sát mức độ ghi nhớ và cách ứng xử tình huống của bé như thế nào? Sau mỗi câu hỏi, bạn hãy dừng lại một lúc và hỏi bé xem, tại sao lại chọn đáp án này, mà không chọn đáp án kia?

4 bước an toàn cho bé khi bị lạc

  1. Dừng lại

Dạy con ngay khi nhận ra mình bị lạc, hãy dừng ngay những việc con đang làm lại (đang chơi, đang chạy hoặc làm bất cứ việc gì) và KHÔNG NÊN chạy ngay đi tìm bố mẹ. Đôi khi vị trí con với cha mẹ không quá xa nhưng vì hoảng loạn con càng đi tìm thì càng xa vị trí bố mẹ.

  1. “Nếu con lạc hãy dừng tại nơi con đang đứng và gọi bố mẹ to lên”

Hét lên an toàn hơn là giữ im lặng. Hầu hết những kẻ săn mồi sẽ tìm những đứa trẻ không được chú ý để dẫn đi . Một đứa trẻ la hét sẽ thu hút sự chú ý và thường sẽ tránh được rủi ro.

voh.com.vn-day-tre-cach-xu-ly-khi-di-lac-anh3

Một đứa trẻ ồn ào tập trung nhiều sự chú ý từ mọi người hơn giúp bé an toàn hơn (Nguồn: Internet)

Đồng thời khi đó càng có khả năng giúp bạn nghe thấy tiếng con mình đang ở đâu. Nếu ai đó nhận là bố mẹ/ bạn của bố mẹ, con hãy áp dụng chiến thuật “mật khẩu” từ trước nhé.

  1. Xác định người an toàn để xin giúp đỡ

Chỉ cho trẻ một số ứng phó: Nếu đi lạc ở nơi công cộng như siêu thị, rạp hát, công viên nên tìm đến những ông bố bà mẹ có con nhỏ đi cùng và nhân viên mặc đồng phục. Nếu ở ngoài đường phố nên tìm đến các chú công an, hoặc ghé vào nhà dân hay một cơ quan ngay gần đó như ủy ban, ngân hàng để nhờ liên lạc với gia đình với các thông tin đã học thuộc.

voh.com.vn-day-tre-cach-xu-ly-khi-di-lac-anh4

Chỉ trẻ cách ứng phó khi bị lạc nơi công cộng (Nguồn: Internet)

Dạy trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ, không cho người lạ đụng chạm vào cơ thể, thậm chí là nắm tay cũng không cho. Càng nên tránh xa các đối tượng luôn tỏ vẻ là người tốt quá mức. Ví dụ như: cho tiền, cho quà bánh hoặc đồ chơi để dụ dỗ đi cùng.

voh.com.vn-day-tre-cach-xu-ly-khi-di-lac-anh5

Dạy trẻ không nhận bất kỳ thứ gì từ người lạ (Nguồn: Internet)

  1. Sử dụng kế hoạch an toàn

Nếu con đã thực hiện hết các bước an toàn trên nhưng vẫn không gặp được cha mẹ hãy thực hiện kế hoạch an toàn như đã thỏa thuận trước khi đi.

Vậy là trên đây là những kiến thức cần trang bị cho bé trong trường hợp bị đi lạc. Ngoài ra, hãy tạo cho bé thói quen không nhận quà từ người lạ nếu không được cha mẹ cho phép cho đến khi bé có khả năng tự bảo hộ được mình thì thôi.

Trẻ 4 tháng tuổi đã biết được những gì?: (VOH) – Trẻ 4 tháng tuổi là lúc đánh dấu những thay đổi của bé về thể chất. Vào thời điểm này mẹ nên tìm hiểu nhiều hơn về nhu cầu của con để có chế độ chăm sóc bé phù hợp.
Luyện siêu trí tuệ cho trẻ dưới 6 tuổi? Tại sao không?: (VOH) - Hiện nay có nhiều phương pháp giáo dục cho trẻ từ 0-6 tuổi, giúp bé phát triển toàn diện hơn. Hãy cùng tìm hiểu 3 kỹ năng giáo dục trẻ dưới đây để xem có phù hợp với cả bạn và trẻ ...
Bình luận