Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giới trẻ đang phụ thuộc vào lượng “like”, “share” trên mạng xã hội thay vì sống cuộc đời thực tế

VOH - Mạng xã hội đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu nhưng việc lạm dụng chúng làm không ít người chênh vênh giữa đời thật - ảo.

Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số.

mạng xã hội
Giới trẻ đang phụ thuộc vào lượng “like”, “share” trên mạng xã hội 

Bạn Thùy Linh (20 tuổi) chia sẻ: “Mỗi ngày mình truy cập mạng xã hội tầm khoảng từ 8-9 tiếng chủ yếu thời gian đó mình lướt facebook, trả lời tin nhắn bạn bè, xem phim và lướt TikTok”.

“Trước đây khi không có mạng xã hội, muốn tìm kiếm thông tin cần rất nhiều thời gian hay muốn đọc tin tức thì cần phải đi mua báo nhưng bây giờ chỉ cần có điện thoại, mạng xã hội là có thể làm được hết mà còn miễn phí” - bạn Hoài An (23 tuổi) nói.

Sự quá phổ biến của mạng xã hội khiến đây trở thành kênh để “đánh giá một người”, đơn giản là xét lượt tương tác trên mạng xã hội của họ.

Người có lượt tương tác cao được cho là thành công, có tiếng nói hơn và ngược lại. Vì vậy có rất nhiều nhân vật muốn mình thành tâm điểm, tăng lượng tương tác, sẵn sàng tung những bộ ảnh hay những điều được cho là nhạy cảm để đánh bóng tên tuổi.

Khi có quá nhiều người lầm tưởng về sức mạnh của lượt tác, việc xem trọng thứ gọi là “bản thân ảo” càng được nâng cao. Nhiều người chìm đắm và quên mất đâu mới là cuộc sống thực, họ chăm chút, chú trọng cuộc sống trên mạng xã hội nhiều hơn là bản thân mình ngoài thực tế.

Họ đánh đổi nhiều thứ để thu về cho mình những lượt tương tác vô tri như like, share trên không gian ảo và nghĩ như thế là thành công.

Hiện nay có nhiều hiện tượng mạng cũng ra đời bằng cách “lố lăng” như Tùng Sơn, Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh… tạo ra những sự việc gây sốc cho các trang mạng xã hội bằng các hình thức nhạy cảm, phô trương khiến cho giới trẻ dễ tiếp xúc với những hành vi xấu, không định hình về các góc nhìn trong đời sống và rất dễ bắt chước theo các trào lưu này.

mạng xã hội
Giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng nếu làm theo các trào lưu trên mạng xã hội

Theo TS. Nhạc Phan Linh - Chuyên gia truyền thông: “Sẽ không có gì để nói nếu như các thông điệp đưa ra từ những nhân vật trên tuân theo chuẩn mực xã hội và được thừa nhận. Thế nhưng nếu các hiện tượng này tạo ra những trào lưu xấu với hành vi chẳng hạn như đập phá hay ngôn từ dung tục.

Họ sử dụng cơ chế của truyền thông, tác động đến công chúng, khiến người xem nghe theo và làm theo. Đây là một điều nguy hiểm, đặc biệt với nhóm công chúng đang trong quá trình định hình phong cách và bị ảnh hưởng bởi các biểu tượng, thần tượng và những người có sức ảnh hưởng trên các phương tiện thông tin. Cơ chế chung của các hình tượng này đều là gây sốc”.

Để kéo giới trẻ về với đời thực là câu chuyện không hề đơn giản. Vai trò trước nhất của gia đình và nhà trường là giáo dục và truyền thông nhằm giúp các em học sinh, sinh viên có cơ hội sinh hoạt cộng đồng, ngoại khóa... từ đó giới hạn thời gian dùng mạng xã hội, hướng đến hoạt động thực tế, những hoạt động cộng đồng hữu ích hơn.   

Bình luận