Để thoát khỏi áp lực hôn nhân truyền thống và định kiến xã hội, ngày càng nhiều bạn trẻ Trung Quốc lựa chọn "kết hôn tình bạn" - một hình thức chung sống dựa trên sự tin tưởng, hỗ trợ, nhưng không gắn với tình yêu hay quan hệ tình dục, theo South China Morning Post.
Trong "hôn nhân tình bạn", hai người chính thức đăng ký kết hôn, cùng sống chung nhà, chia sẻ chi phí sinh hoạt, hỗ trợ nhau về mặt cảm xúc, nhưng thường ngủ riêng và duy trì đời sống riêng tư. Cả hai vẫn tự do hẹn hò bên ngoài và nếu muốn có con, có thể chọn phương án thụ tinh nhân tạo hoặc nhận con nuôi.
Tại Nhật Bản, hình thức này đã được thương mại hóa thông qua các công ty môi giới, phục vụ nhiều đối tượng như người vô tính, người đồng tính hoặc những người dị tính không còn tin vào hôn nhân truyền thống.
Tại Trung Quốc, xu hướng này phát triển kín đáo hơn nhưng ngày càng phổ biến.

Bạn đồng hành, nhưng cũng là gia đình
Meilan, một phụ nữ gần 30 tuổi ở Trùng Khánh (Tây Nam Trung Quốc), đã kết hôn với người bạn thân nhất cách đây 4 năm. Sau khi đăng ký kết hôn, họ không tổ chức lễ cưới, không trao sính lễ và thống nhất không sinh con.
Meilan cho biết việc kết hôn giúp hai người trở thành người giám hộ hợp pháp của nhau, có thể đưa ra quyết định trong các trường hợp khẩn cấp về y tế. Cả hai ít giao lưu xã hội, hạn chế tiếp xúc với họ hàng và duy trì sự độc lập tài chính.
Mỗi người kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) mỗi tháng. Họ cùng đóng góp 500.000 nhân dân tệ (68.000 USD) để mua một căn nhà ở ngoại ô, tự chi trả chi phí sửa chữa và sinh hoạt.
Hai người ngủ ở phòng riêng, giữ khoảng cách riêng tư và dành một phần thu nhập chung để tiết kiệm cho các chuyến du lịch.
Câu chuyện của Meilan và bạn đời thu hút hơn 12.000 người theo dõi trên mạng xã hội.
Một cư dân mạng bình luận: "Thật ngưỡng mộ cách hai bạn sống: độc lập nhưng vẫn gắn bó." Một người khác viết: "Thật may mắn khi tìm được một người bạn đồng hành như vậy."

Một cách tránh áp lực hôn nhân, nhưng không phải cho tất cả
Chloe, 33 tuổi, sống tại Thượng Hải, cũng kết hôn với bạn đại học vào năm ngoái. Cô cho biết: "Ở tuổi tôi, hầu hết phụ nữ đều đã kết hôn và sinh con. Hôn nhân tình bạn giúp tôi tránh được ánh nhìn dò xét từ xã hội."
Tuy nhiên, Chloe lo ngại nguy cơ bị cuốn vào những vấn đề gia đình của bạn đời. Vì vậy, cô và chồng đã ký thỏa thuận tiền hôn nhân, quy định rõ việc chia sẻ chi phí sinh hoạt, sở hữu tài sản riêng và cách thức thăm hỏi họ hàng hai bên.
Ngoài ra, họ cũng thống nhất "điều khoản ly hôn": nếu một trong hai tìm được tình yêu đích thực và muốn kết hôn truyền thống, cả hai có thể tự do ly dị.
Cặp đôi dự định sẽ thông báo về cuộc hôn nhân đặc biệt này cho gia đình vào thời điểm thích hợp và đang cân nhắc khả năng nhận con nuôi.

Theo bà Pan Lian, chuyên gia tư vấn hôn nhân ở tỉnh Hồ Bắc, "hôn nhân tình bạn" giúp duy trì sự độc lập cá nhân.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo: "Mối quan hệ này có thể thiếu sự ổn định lâu dài và không phải giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người."
Bà Pan Lian cho rằng xu hướng này chỉ là biện pháp tạm thời trước áp lực xã hội hiện tại và có thể giảm dần khi giá nhà trở nên hợp lý hơn và chính sách hỗ trợ người độc thân được cải thiện.