Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hàng loạt kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ trong 7 tháng của năm 2024

VOH - "Trong thời tiết cực đoan, con người và các loài khác đang chịu áp lực hay gặp rủi ro. Đây là thời điểm chúng ta dễ bị tổn thương hơn" - Nhà nghiên cứu khí hậu Maximiliano Herrera cảnh báo.

Theo thống kê từ Maximiliano Herrera, một nhà nghiên cứu khí hậu: Đã có thêm 130 kỷ lục nhiệt độ quốc gia theo tháng cũng bị phá vỡ, cùng với hàng chục nghìn mức nhiệt cao được ghi nhận tại các trạm giám sát thời tiết trải dài từ Bắc Cực đến Nam Thái Bình Dương.

Nhà nghiên cứu Maximiliano Herrera chia sẻ với báo The Guardian rằng việc hàng loạt nơi ghi nhận mức nhiệt chưa từng có trong 6 tháng đầu năm nay là điều đáng kinh ngạc.

“Số lượng sự kiện nhiệt độ cực đoan này vượt xa bất cứ điều gì từng thấy hoặc thậm chí được cho là có thể xảy ra trước đây”, ông nói. “Từ tháng 2 đến tháng 7 là thời điểm có nhiều kỷ lục nhất đối với mọi số liệu thống kê”.

Những "nấc thang" kỷ lục

Ngày 28/2, Quần đảo Cocos đạt mức nhiệt độ cao nhất mọi thời đại là 32,8 độ C. Mức nhiệt độ này được thiết lập lại vào ngày 29/2 và ngày 7/4.

Ngày 6/3, Costa Rica ghi nhận kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 41 độ C tại Cerro Huacalito. Kỷ lục này tiếp tục bị phá với nhiệt độ 41,5 độ C vào ngày 23/3 tại cùng địa điểm.

Ngày 12/3, đảo quốc Comoros phá vỡ kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 36,2 độ C tại sân bay Hahaya.

Ngày 13/3, Congo phá vỡ kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 39,6 độ C tại Impfondo.

Ngày 24/3, Maldives phá vỡ kỷ lục quốc gia với 35,1 độ C tại Hanimadhoo. Kỷ lục này tiếp tục lập lại vào ngày 11/4.

Ngày 31/3, Togo phá kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 44 độ C tại Mango.

Ngày 3/4, Mali phá kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 48,5 độ C tại Kayes.

Ngày 10/4, Belize phá vỡ kỷ lục quốc gia với 42,3 độ C tại Barton Creek. Nhiệt độ này sau đó được thiết lập lại vào ngày 17/5 tại Chaa Creek.

Ngày 24/4, Chad san bằng kỷ lục quốc gia với 48 độ C tại Faya. Kỷ lục này được thiết lập lần nữa vào ngày 5/6.

Nắng nóng ở Chad
Faya ở Chad đã hai lần đạt tới 48 độ C trong năm nay - Ảnh: Alamy.

Ngày 27/4, Campuchia phá kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 42,8 độ C tại Preah Viehar và Svay Leu.

Ngày 1/5, Ghana phá kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 44,6 độ C tại Navrongo.

Ngày 1/5, Lào phá kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 43,7 độ C tại Tha Ngon.

Ngày 29/5, đảo Palau san lập kỷ lục quốc gia với 35 độ C tại sân bay quốc tế Babelthuap. Ngày 2/6, Palau tiếp tục phá kỷ lục với 35,6 độ C.

Ngày 7/6, Ai Cập phá vỡ kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 50,9 độ C tại Aswan.

Ngày 20/6, Mexico phá kỷ lục quốc gia với nhiệt độ 52 độ C tại Tepache.

Mỗi ngày đều có những kỷ lục mới được thiết lập ở cấp độ địa phương. Chẳng hạn, vào cuối tháng 7, khu vực Nhạc Dương của Trung Quốc trải qua mức nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm là 32°C, với độ ẩm ở mức nguy hiểm. Nhiệt độ ban đêm cao có thể khiến con người và hệ sinh thái không có thời gian để phục hồi sau đợt nắng nóng liên tục.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Ông Herrera cho biết khu vực nhiệt đới đã thiết lập kỷ lục mỗi ngày trong 15 tháng liên tiếp.

Theo The Guardian, những phát hiện của Herrera phù hợp và thường đi trước các tổ chức lớn. Tất cả đều cảnh báo về một thế giới đang nóng lên nhanh chóng.

“Tiếng còi báo động đang vang lên ở tất cả chỉ số chính… Một số kỷ lục không chỉ đứng đầu bảng mà còn phá vỡ bảng xếp hạng. Những thay đổi đang diễn ra nhanh hơn”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết về đợt nắng nóng toàn cầu dữ dội năm 2023.

Cơ quan giám sát hàng đầu của Liên minh châu Âu: Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus - gần đây báo cáo tháng 6 là tháng thứ 13 liên tiếp lập kỷ lục về nhiệt độ theo tháng - với nhiệt độ cao hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

Nó kéo theo nhiều đợt nắng nóng dữ dội hơn, các trận mưa cực lớn và hạn hán, sự suy giảm của tảng băng, băng biển và sông băng, cũng như sự gia tăng mực nước biển và sự ấm lên của đại dương.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng báo cáo ít nhất 10 quốc gia đã ghi nhận nhiệt độ trên 50 độ C trong năm nay.

nắng nóng Ấn Độ
Nắng nóng ở Ấn Độ - Ảnh: Bloomberg.

Hy vọng về sự hạ nhiệt cho đến nay vẫn còn xa vời. Dữ liệu sơ bộ từ vệ tinh giám sát khí hậu Copernicus ERA5 cho thấy ngày 22/7 là ngày nóng nhất trong lịch sử mà Trái Đất ghi nhận, với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đạt 17,15 độ C.

Herrera cho hay ông hy vọng cảnh báo thời tiết khắc nghiệt có thể giúp thế giới chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra và giảm thiểu mối đe dọa đối với mạng sống, cơ sở hạ tầng cùng nền kinh tế.

Bình luận