Hoàn thành khoan giếng Shenditake 1 tại Tân Cương, giếng thẳng đứng sâu nhất châu Á

TRUNG QUỐC - Shenditake 1 là một dự án thăm dò khoa học nhằm thúc đẩy nghiên cứu về sự tiến hóa của Trái Đất và địa chất sâu.

Ngày 20/2, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thông báo hoàn thành khoan giếng Shenditake 1 tại vùng lòng chảo Tarim, Tân Cương.

Shenditake 1 là một dự án thăm dò khoa học vừa mang nhiệm vụ tìm kiếm tài nguyên dầu khí còn nhằm thúc đẩy nghiên cứu về sự tiến hóa của Trái Đất và địa chất sâu.

gieng-khoan-set-1740198204-6969-1740198325
Giếng Shenditake 1 tại vùng lòng chảo Tarim, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương - Ảnh: Xinhua

Với độ sâu 10.910 m, giếng  Shenditake 1 là giếng thẳng đứng sâu nhất châu Á và đứng thứ hai trên thế giới.

Công trình cũng mang một số dấu ấn mang tính đột phá trong kỹ thuật như đổ xi măng ống lót sâu nhất, thực hiện các đo đạc quan sát giếng khoan sâu nhất, và khoan vượt 10.000 m nhanh nhất trên đất liền.

Giếng bắt đầu quá trình khoan ngày 30/5/2023. Trong 279 ngày đã hoàn thành khoan 10.000 m đầu tiên, khoảng 1.000 m cuối cùng mất hơn 300 ngày. Trong quá trình khoan, nhóm dự án đã quan sát được những dấu hiệu dầu khí hoạt động.

Wang Chunsheng, chuyên gia từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, nhấn mạnh nhóm đã thành công khoan xuyên qua 12 hệ tầng địa chất của lòng chảo Tarim, chạm đến các hệ tầng đá tạo ra dầu khí chất lượng cao ở giữa độ sâu 10.851 m và 10.910 m. "Đây là lần đầu tiên trên thế giới phát hiện dầu và khí sâu hơn 10.000 m ở đất liền, mở rộng đáng kể phạm vi thăm dò dầu khí siêu sâu", ông nói.

Shenditake 1 được trang bị giàn khoan tự động 12.000 m đầu tiên trên thế giới, là hệ thống sản xuất trong nước.

Thu thập các mẫu lõi, mảnh đá và dữ liệu đo đạc trong quá trình khoan, các nhà nghiên cứu đã lập ra hồ sơ địa chất 10.000 m đầu tiên của châu Á, cung cấp dữ liệu quan trọng cho hoạt động thăm dò Trái Đất sâu và nghiên cứu dầu khí.

Bình luận