Tiêu điểm: Nhân Humanity

Loài chuột quan trọng như thế nào trong nghiên cứu khoa học?

(VOH) – Dân gian truyền lại rằng chuột tượng trưng cho sự no đủ, may mắn vì ở đâu có chuột, ở đó có nguồn thực phẩm dồi dào. Kỳ thực, chuột quan trọng với đời sống con người, ở góc độ khoa học hẳn hoi

Đó là chuột trở thành con vật quan trọng cho nghiên cứu khoa học hàng trăm năm qua.

Vì sao dùng chuột để làm thí nghiệm?

Về mặt sinh học, chuột có những điểm tương đồng với con người, cụ thể là bộ gen khá giống nhau. Tuổi thọ chuột chỉ giới hạn vài năm và chi phí nuôi chuột trong phòng thí nghiệm cũng thấp hơn so với các động vật khác như thỏ và chó. Một trong những lý do quan trọng nhất là chuột dễ biến đổi gen, giúp các nhà khoa học dễ dàng thực hiện các nghiên cứu về di truyền bằng các cách bất hoạt hoặc chèn thêm đoạn ADN ngoại lai.

Chúng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiều về cách thức gene người phản ứng với những nhân tố môi trường tương tự. Ngoài yếu tố di truyền thì hệ thống sinh học bên trong cơ thể chuột như các bộ phận cơ thể có cơ chế hoạt động giống con người.

Bên cạnh đó, một yếu tố không thể không nói đến đó là chuột dễ biến đổi gene. Các nhà khoa học có thể tác động đến một gene nhất định của chuột khiến chúng ở trạng thái không hoạt động hoặc chèn thêm đoạn ADN ngoại lai sau đó quan sát những thay đổi trong hành vi và sinh lý của chuột. Từ đó các nhà khoa học có thể tìm ra chức năng, cách thức gây bệnh của những loại gene này ở người.

chuột, nghiên cứu khoa học, y khoa

Ảnh minh họa: Internet

Chuột được dùng để nghiên cứu khoa học từ khi nào?

Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 200 năm, "chuột bạch" - theo đúng nghĩa đen - lần đầu được sử dụng trong thí nghiệm vì mục đích nghiên cứu.

Đầu thế kỷ 19 là giai đoạn bùng nổ các nghiên cứu về sinh học và y khoa, dẫn đến nhu cầu có một vật mẫu thí nghiệm rất lớn.

Nhận thấy chuột bạch kích thước nhỏ, dễ sinh sản, vòng đời ngắn giúp thuận tiện nghiên cứu qua nhiều thế hệ, và còn có hệ gen giống của người đến hơn 90%, các nhà khoa học quyết định lấy chuột bạch làm động vật thí nghiệm.

Năm 1828, chuột bạch lần đầu được sử dụng vào việc nghiên cứu về hàm lượng protein trong cơ thể người. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học dùng động vật làm vật thí nghiệm.

Đến năm 1906, Viện Wistar ở Philadelphia (Mỹ) bắt đầu đưa ra chuẩn chuột thí nghiệm. Bằng việc cho giao phối có lựa chọn, giới khoa học dần tạo được thể tạo ra những chú chuột với nhiều đặc tính phục vụ cho nghiên cứu.

Một nguồn tin khác cho thấy "sự nghiệp" đóng góp vào lịch sử y học của loài chuột bắt đầu vào khoảng năm 1900 tại một trang trại ở Granby, Massachusetts. Bà Abbie E. C. Lathrop, sinh năm 1868 tại tiểu bang Illinois, Mỹ làm nghề giáo viên. Năm 19 tuổi do mắc căn bệnh thiếu máu ác tính đã khiến bà phải nghỉ dạy học. Năm 1900, bà bắt đầu chuyển tới Granby để chăn nuôi gia cầm. Việc làm ăn sớm bị thất bại và bà Lathrop chuyển sang nuôi chuột. Ở Mỹ và Anh vào những năm đầu của thế kỷ 20, chuột được thuần hóa trở nên khá phổ biến trong việc diễn xiếc. Từ 1, 2 con chuột ban đầu dần dần đàn chuột bà nuôi lên đến hơn 1 vạn con sống trong các hộp gỗ và được cho ăn yến mạch, bánh quy giòn.

Loài chuột nhắt Mus musculus thường có bộ lông trắng và được dùng phổ biến trong các thí nghiệm khoa học về các lĩnh vực y học, sinh học, tâm lý học.

Vào năm 1902, nhà di truyền học William Ernest Castle thuộc Viện nghiên cứu Bussey, Đại học Harvard đã đặt hàng những con chuột đầu tiên từ bà Lathrop vì ông cho rằng chuột với tuổi thọ ngắn là mẫu vật lý tưởng để nghiên cứu về di truyền. Sau khi thu thập những con chuột từ bà Lathrop, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thí nghiệm chúng với những dòng chuột bẩm sinh và bắt đầu tạo ra những giống chuột ổn định, bẩm sinh hay còn gọi là dòng thuần chủng.

Năm 1909, nhà khoa học Clarence Cook Little đã trở thành cha đẻ của chuột thí nghiệm hiện đại. Sau đó, vào năm 1929, ông Little đã tiến hành cho giao phối những con chuột có liên quan chặt chẽ với nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo ra dòng giống đầu tiên và ông sáng lập ra phòng Thí nghiệm Jackson (viết tắt là JAX) ngày nay là một trong những trung tâm nghiên cứu ung thư nổi tiếng và là nơi cung cấp chuột thí nghiệm hàng đầu thế giới với hơn 7.000 chủng di truyền độc đáo.

Cho đến nay, chuột trong mắt con người vẫn là một loại sinh vật gây hại đáng ghét. Nhưng không thể phủ nhận đóng góp của hàng triệu con chuột trong hành trình nghiên cứu khoa học, phục vụ cuộc sống con người. Đến nay, dù còn nhiều tranh cãi về quyền của động vật, người ta vẫn phải thừa nhận rằng nếu không có chuột bạch thí nghiệm, ngành y sinh sẽ khó có thể đạt những bước đi tiến bộ vượt bậc như ngày nay.

Công nhận 27 bảo vật quốc gia: Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia.

 

Doodle hôm nay tôn vinh ngôi sao điện ảnh người Mỹ gốc Hoa đầu tiên tại Hollywood:  Hôm nay (22/1/2020), Doodle google đăng hình ảnh kỷ niệm ngôi sao điện ảnh người Mỹ gốc Hoa đầu tiên tại Hollywood, Anna May Wong.

Bình luận