Mỹ: Gen Z hoài nghi giá trị tấm bằng đại học trong kỷ nguyên AI

VOH - Một khảo sát mới đây cho thấy 51% thế hệ Gen Z đánh giá tấm bằng đại học đang mất dần giá trị trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ.

AI khiến nhiều người trẻ đặt câu hỏi liệu học đại học có còn là con đường thiết yếu.

Khảo sát do Indeed phối hợp Harris Poll thực hiện trên 772 người trưởng thành tại Mỹ có bằng đại học trở lên, cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các thế hệ. Trong khi chỉ 20% Baby Boomers cho rằng bằng cấp của họ đã lỗi thời, tỷ lệ này tăng lên 41% với Millennials và đạt 51% ở Gen Z.

Báo cáo cũng ghi nhận 45% Gen Z tin rằng những kiến thức học ở trường không còn phù hợp với yêu cầu công việc hiện tại. Nhiều người cho rằng AI, với các công cụ như ChatGPT và Bard, đang nhanh chóng làm lạc hậu các kiến thức học thuật truyền thống.

ai_voh
Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, gánh nặng tài chính từ khoản nợ sinh viên cũng khiến nhiều người trẻ đắn đo khi lựa chọn giáo dục đại học. Trung bình mỗi sinh viên Mỹ tốt nghiệp mang theo khoản nợ khoảng 38.375 USD. Tổng nợ sinh viên tại nước này đã chạm mốc 1.620 tỉ USD vào cuối năm 2024. Khi chương trình tạm hoãn thu hồi nợ kết thúc, hơn 9 triệu người Mỹ đối mặt nguy cơ bị khấu trừ lương hoặc hạ điểm tín dụng vì nợ học phí.

Trong bối cảnh đó, nhiều sinh viên và gia đình đang cân nhắc những lựa chọn học tập tiết kiệm hơn như trường cộng đồng, chương trình học trực tuyến, hoặc các chứng chỉ ngắn hạn nhằm giảm chi phí và nhanh chóng gia nhập thị trường lao động.

Xu hướng tuyển dụng mới cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Khảo sát của TestGorilla cho thấy 81% nhà tuyển dụng áp dụng mô hình tuyển dụng dựa trên kỹ năng vào năm 2024, tăng từ 73% năm trước. ZipRecruiter ghi nhận 45% doanh nghiệp đã loại bỏ yêu cầu bằng cử nhân cho một số vị trí trong năm qua.

Tờ Forbes dẫn lời nhiều chuyên gia nhân sự nhận định rằng tuyển dụng dựa trên kỹ năng mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời giúp giảm tỉ lệ sai sót trong quy trình tuyển dụng. Tuy vậy, báo cáo của Burning Glass Institute hợp tác với Harvard Business School cho thấy chỉ khoảng 10–15% doanh nghiệp thực sự thay đổi quy trình tuyển dụng một cách toàn diện.

Để thích ứng, nhiều trường đại học như MIT, Stanford đã triển khai các chương trình tín chỉ và chứng chỉ ngắn hạn trong lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, an ninh mạng nhằm trang bị kỹ năng thực tế cho sinh viên. Các tập đoàn công nghệ như Google, Microsoft, Amazon cũng đẩy mạnh các khóa đào tạo miễn phí hoặc chi phí thấp, mở rộng cơ hội học tập cho cộng đồng.

Các chuyên gia giáo dục khuyến nghị sinh viên cần kết hợp giữa bằng cấp và kỹ năng thực hành, trong đó kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giao tiếp, quản lý dự án trở thành yếu tố then chốt giúp gia tăng cơ hội nghề nghiệp.

Trong bối cảnh AI đang tái định hình thị trường lao động, giá trị của bằng đại học truyền thống đang được nhìn nhận dưới lăng kính mới. Gen Z và Millennials đang dẫn đầu xu hướng tìm kiếm các mô hình học tập linh hoạt, tập trung vào kỹ năng và thực hành.

Quá trình tái định nghĩa vai trò của giáo dục đại học còn nhiều thách thức, nhưng mô hình kết hợp giữa bằng cấp, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế đang dần trở thành hướng đi bền vững cho cả người học lẫn nhà tuyển dụng.

Bình luận