Năm 2024, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các trường hợp nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Gần đây nhất, vào ngày 19/12, tại Trung tâm Hội nghị ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Sau bữa tiệc, 20 người phải nhập viện với các triệu chứng ngộ độc, trong đó có 2 người tử vong. Nguyên nhân được xác định là do hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng được sử dụng trong bữa tiệc.
Trước đó, vào ngày 22/12, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận 4 trường hợp nghi ngộ độc rượu methanol. Sau điều trị, 3 bệnh nhân đã ổn định, trong khi một bệnh nhân sinh năm 2000 vẫn trong tình trạng hôn mê và được tiên lượng nặng.

Ngoài ra, đầu tháng 12, hơn 40 công nhân tại Công ty Premium Fashion, Khu công nghiệp WHA, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, phải nhập viện với các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và mẩn đỏ. Chẩn đoán ban đầu là ngộ độc thực phẩm, phản vệ độ 1. May mắn, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định sau điều trị.
Đáng chú ý, trong số 131 vụ ngộ độc, có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên như ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc; 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ do vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Tính đến ngày 30/11/2024, toàn ngành y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm, chiếm 6,22% số cơ sở được kiểm tra. Trong đó, 6.658 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt hơn 33,5 tỷ đồng.
Năm 2025, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, rà soát xây dựng dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thì hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối từ trung ương đến địa phương.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, đặc biệt trong việc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc và tiêu thụ thực phẩm từ các nguồn không đảm bảo vệ sinh. Việc tăng cường giáo dục và kiểm soát chất lượng thực phẩm là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc và bảo vệ sức khỏe người dân.