Chị Hạnh lấy chồng và sinh sống ở Hà Nội đã hơn 10 năm. Gia đình chồng chị khá hòa thuận, bố mẹ chồng thương yêu con cháu và sẵn lòng phụ giúp chị trong việc chăm sóc hai con nhỏ. Nhà chồng rộng rãi, còn thừa vài phòng trống. Mỗi lần thấy nhà cửa sum vầy, chị lại chạnh lòng nghĩ đến mẹ ruột sống đơn độc ở quê, cách đó gần 300 km.
Mẹ chị Hạnh năm nay đã ngoài 70 tuổi, mắc cao huyết áp và một số bệnh tuổi già. Em gái chị lập gia đình ở nước ngoài, lâu lâu mới về thăm. Mỗi lần nghe mẹ ho khan qua điện thoại, chị đều giật mình thon thót. Tuy nhiên, bà cụ luôn động viên con gái yên tâm lo việc nhà chồng.
Gần đây, mẹ chị bị tai biến nhẹ. Chị tức tốc về quê chăm sóc. Nhìn mẹ nằm co ro trong căn nhà cũ, không người bầu bạn, chị nghẹn lòng. Lúc này, mong muốn đón mẹ lên ở cùng càng thôi thúc chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chị đã bàn với chồng phương án mua nhà nhỏ gần đó để mẹ sống tiện chăm sóc. Thế nhưng, chồng chị - một người đàn ông hiền lành, hiểu chuyện – lại đề nghị thẳng: “Nhà mình rộng, dư phòng, anh nghĩ mẹ lên ở chung cho vui. Mình đỡ lo mà bà cũng có cháu bầu bạn.”
Đề xuất ấy tưởng như lý tưởng nhưng lại khiến chị Hạnh lấn cấn. Chị hiểu mẹ mình là người khái tính, sống tự trọng và hay ái ngại. “Nhà con rể, sao mà ở mãi được?” – bà từng thủng thẳng như thế trong một lần trò chuyện. Hơn nữa, sống chung ba thế hệ, dù yêu thương mấy cũng khó tránh va chạm. Chị lo mâu thuẫn âm ỉ nếu không khéo dung hòa giữa mẹ chồng – mẹ vợ, giữa các thế hệ.
Chị Hạnh tâm sự: “Tôi biết chồng và bố mẹ chồng đều tử tế, không phân biệt, nhưng mẹ tôi lại khó tính, không khéo lại mất vui. Tôi không muốn giữa hai bên nảy sinh hiểu lầm chỉ vì chuyện sinh hoạt hàng ngày.”
Câu chuyện của chị khiến nhiều người đồng cảm. Có người ủng hộ: “Con cái có hiếu, dâu rể hòa thuận, sao không thử sống chung một thời gian rồi tính tiếp?”. Có người lại khuyên: “Tìm nhà nhỏ gần bên để vừa có khoảng cách vừa tiện chăm sóc.”
TS. Nguyễn Thị Thanh – chuyên gia tâm lý gia đình cho rằng, quyết định đón cha mẹ lên sống cùng con cái là một bước đi cần sự đồng thuận tuyệt đối từ cả hai bên. Quan trọng hơn, người con gái trong vai trò trung gian cần khéo léo truyền đạt, tạo cầu nối giữa hai thế hệ và hai gia đình.
Chữ hiếu và chữ thuận – đôi khi không dễ vẹn toàn. Nhưng nếu có đủ tình yêu thương, sự tôn trọng và chia sẻ, gia đình sẽ vẫn là chốn bình yên nhất để mọi thế hệ nương tựa.