Từ nội trợ, nhân viên văn phòng đến người già, ai cũng đang tìm mọi cách thích nghi với một cuộc sống đắt đỏ hơn từng ngày.
Taemi Komiyama, 35 tuổi, sống tại Tokyo, chia sẻ rằng chi phí thực phẩm mỗi tháng của gia đình đã tăng tới 25% so với năm 2024, lên mức 50.000 yen (khoảng 332 USD). Mọi thứ từ gạo, trứng đến rau xanh đều tăng giá mạnh khiến gia đình buộc phải giảm ăn ngoài, ưu tiên thực phẩm đông lạnh để tiết kiệm.
“Tôi thường chỉ mua rau khi có khuyến mãi, hoặc phải thay thế bằng rong biển khô. Gần đây tôi còn trồng hành lá trong nhà để cắt bớt chi phí”, chị nói.
Tại Tokyo, giá bắp cải trong tháng 1 đã tăng gấp ba, lên đến 6,43 USD/cây, tương đương mức lương một giờ làm việc của nhiều lao động phổ thông.
Cơn sốt giá rau đã tạo cơ hội cho Kazuki Nakata, 37 tuổi, nổi lên như một hiện tượng mạng. Kênh YouTube hướng dẫn trồng rau tại nhà của anh thu hút thêm 4.500 người theo dõi chỉ trong hai tuần, nâng tổng số lên 90.000. Anh Nakata bỏ công việc bán hàng để tập trung trồng rau trong chai nhựa, lon bia, thùng xốp hay thậm chí giỏ xe đạp.
“Gia đình tôi từng phải ngủ không điều hòa vào mùa hè để tiết kiệm điện. Giờ nhìn lại, những hy sinh đó hoàn toàn xứng đáng khi giá rau cao như hiện nay”, anh nói.
Không riêng giới trẻ, người cao tuổi cũng lao động để trang trải chi phí sinh hoạt. Bà Keiko Yano, 77 tuổi, hiện làm bán thời gian, dù đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi ở tuổi già. Một bữa ăn sushi, vốn từng là niềm vui nhỏ của bà, giờ chỉ còn xuất hiện hai tháng một lần.
“Tôi đã sống rất tiết kiệm từ trước, giờ thì không biết còn có thể cắt giảm thêm gì nữa”, bà Yano thở dài.
Ở một trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại Đông Tokyo, bà Michie Hino, cũng 77 tuổi, làm công việc vệ sinh và giặt giũ 8 tiếng mỗi ngày để kiếm 160.000 yen/tháng. Bà cho biết vẫn yêu công việc vì nó giúp bà duy trì sức khỏe, đồng thời có thể lo được chi phí sinh hoạt.
“Giá cả mọi thứ đều tăng. Mỗi lần đi chợ là tôi lại thấy rõ sự thay đổi ấy”, bà nói.
Lạm phát không chỉ ảnh hưởng tới các hộ gia đình mà còn tác động đến nhiều doanh nghiệp. Tập đoàn Skylark Holdings - chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Gusto - dự báo lợi nhuận năm 2025 sẽ giảm 11,2 tỉ yen do chi phí nguyên liệu tăng từ 1,7 tỉ yen lên 5,1 tỉ yen, trong đó chỉ riêng tiền gạo đã chiếm 2,2 tỉ yen.
Các chuỗi bán lẻ như Don Quijote đang cố gắng giữ chân khách hàng bằng chính sách giảm giá, dù bản thân cũng chịu áp lực từ giá hàng hóa và nhân công tăng cao.

Người tiêu dùng Nhật Bản, vốn quen với nhiều năm giá cả ổn định, đang chịu cú sốc lớn khi đồng yen suy yếu và lạm phát kéo dài. Theo Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, tiền lương thực tế tháng 1/2025 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, dù mức lương danh nghĩa có tăng.
Chuyên gia kinh tế Hideo Kumano cho rằng mức tiêu dùng hiện nay phản ánh sự mong manh của nền kinh tế. “Giá cả leo thang nhưng người dân không tăng chi tiêu tương ứng. Đây là dấu hiệu cho thấy sức mua yếu và tâm lý thận trọng trong toàn xã hội”.
Công ty bán lẻ Aeon nhận định người tiêu dùng đã trở nên nhạy cảm hơn với giá cả. Giám đốc chiến lược Motoyuki Shikata cho biết nhiều khách hàng tỏ ra mệt mỏi vì phải liên tục điều chỉnh thói quen chi tiêu, mua sắm.
Risa Shinkawa, 33 tuổi, chuyên viên làm đẹp tại Tokyo, không hy vọng được tăng lương trong thời gian tới. Với thu nhập giảm, cô phải bỏ thói quen ăn trưa ở phố Ginza và ngưng mua sắm quần áo.
“Tôi cố gắng tiết kiệm từng đồng để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, cô chia sẻ.
Câu chuyện của Shinkawa và hàng triệu người dân Nhật Bản đang phác họa một bức tranh thực tế: khi giá cả leo thang nhưng thu nhập không tăng tương ứng, người dân buộc phải thay đổi lối sống. Trong bối cảnh lạm phát kéo dài, những lựa chọn từng đơn giản như bữa ăn ngon hay chiếc áo mới giờ đã trở thành điều xa xỉ đối với nhiều người.