Người phụ nữ đầu tiên ở Anh sinh con sau khi được ghép tử cung

ANH - Các bác sĩ phẫu thuật ca ngợi, đây là một bước đột phá y khoa "đáng kinh ngạc" khi người phụ nữ này trở thành người đầu tiên ở Anh sinh con sau khi cấy ghép tử cung.

Grace Davidson (36 tuổi) từng được chẩn đoán mắc một căn bệnh hiếm gặp khiến cô không có tử cung.

Chị gái của Grace, Amy Purdie đã hiến tặng tử cung của chính mình cho em gái trong ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ vào năm 2023, và Isabel Quiroga, một bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện ca cấy ghép.

Grace và chồng Angus (37 tuổi) vừa đón chào đứa con đầu lòng. Họ đặt tên cho cô con gái năm tuần tuổi của mình là Amy Isabel – theo tên của người chị gái Grace và nữ bác sĩ thực hiện ca ghép tử cung.

cay-ghep-tu-cung-080425
Grace và Angus Davidson (phía trước) cùng đội ngũ y bác sĩ khi bé Amy Isabel chào đời - Ảnh: PA

Grace Davidson cho biết, cô cảm thấy sốc khi lần đầu tiên bế con gái. Em bé được sinh ra bằng phương pháp sinh mổ theo kế hoạch của NHS vào ngày 27/2 tại bệnh viện Queen Charlotte và Chelsea ở London.

Cô nói: "Thật khó tin rằng con bé là có thật. Tôi biết con bé là con của chúng tôi, nhưng thật khó tin".

Việc Grace có thể sinh con mang lại hy vọng mới cho những phụ nữ sinh ra không có tử cung hoặc tử cung không hoạt động. Ba ca ghép tử cung khác đã được thực hiện ở Anh, sử dụng những người hiến tặng đã chết, với hy vọng những người nhận tử cung đó sẽ có con.

Khoảng 10 phụ nữ khác đang trải qua quá trình phê duyệt cho ca ghép tử cung trị giá 25.000 bảng Anh tại Anh, và hàng trăm người khác đã bày tỏ sự quan tâm đến chương trình do Womb Transplant UK tài trợ này.

cay-ghep-tu-cung-080425-1
Grace cùng chồng Angus Davidson với bé Amy Isabel, và bác của bé - người hiến tặng tử cung, Amy Purdie - Ảnh: PA

Davidson, một chuyên gia dinh dưỡng của NHS đến từ phía bắc London, sinh ra đã mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser, một tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng một trong số 5.000 phụ nữ, nghĩa là họ có tử cung kém phát triển hoặc không có.

Tuy nhiên, buồng trứng vẫn còn nguyên vẹn và vẫn có chức năng sản xuất trứng và hormone nữ, khiến việc thụ thai thông qua phương pháp điều trị vô sinh trở thành khả thi.

Trước khi nhận được tử cung hiến tặng, Davidson và chồng đã phải điều trị hiếm muộn để tạo ra 7 phôi thai, sau đó đông lạnh để thụ tinh trong ống nghiệm tại trung tâm London.

Cô đã phẫu thuật vào tháng 2/2023 để nhận tử cung từ người chị Purdie (42 tuổi), người có hai cô con gái 10 tuổi và 6 tuổi. Vài tháng sau, một trong những phôi thai được lưu trữ đã được chuyển qua IVF cho Davidson.

Angus Davidson cho biết, khoảnh khắc con gái anh chào đời thật xúc động. Anh nói: "Sau khi chờ đợi quá lâu, thật kỳ lạ khi nghĩ rằng đây là khoảnh khắc bạn sẽ gặp con gái mình".

Purdie cho biết, việc chứng kiến ​​vợ chống em gái trở thành cha mẹ là "niềm vui tuyệt đối" và "đáng giá từng khoảnh khắc" mà cô đã trải qua để hiến tặng tử cung.

Hơn 100 ca ghép tử cung đã được thực hiện trên toàn thế giới, và ít nhất 50 em bé được cho là đã chào đời sau ca ghép này.

Bình luận