Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguy cơ tuyệt chủng sự sống dưới lòng đại dương vì gia tăng khí nhà kính

(VOH) – Nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục làm trái đất nóng lên, thì nhiều chủng loài dưới biển có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo một nghiên cứu được đăng tải hôm thứ Năm trên tạp chí khoa học Science, nếu chúng ta không giảm thải khí nhà kính để hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hệ động vật dưới nước có thể bị tiêu diệt vào năm 2300, tương tự với sự tuyệt chủng hàng loạt đã xảy ra vào khoảng 250 triệu năm trước.

Các nhà nghiên cứu sử dụng các mô hình phân tích mối liên hệ giữa sự nóng lên toàn cầu, lượng oxy trong nước và sự sụt giảm lượng oxy cần thiết cho sự tồn tại của các loài. Điểm đặc biệt phức tạp để nghiên cứu là những dự báo về nguy cơ tuyệt chủng trên các đại dương cho đến nay là rất ít.

Nguy cơ tuyệt chủng sự sống dưới lòng đại dương vì gia tăng khí nhà kính
Ảnh minh họa. Nguồn: Earth theater/Shutterstock

Nhưng kết quả của nghiên cứu là đáng báo động, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục làm trái đất nóng lên, thì các đại dương có thể hứng chịu nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài sinh vật vào năm 2300, tương đương với kỷ Permi.

Đối mặt với hiện tượng này, sự đa dạng sinh học biển đã bị suy giảm đến mức tối thiểu, dưới tác động tổng hợp của nhiệt độ tăng và sự suy giảm oxy trong các đại dương. Nếu lượng khí nhà kính tiếp tục tăng, các đại dương nhiệt đới sẽ mất đi nhiều loài cũng như việc nhiều loài từ các khu vực này sẽ di cư sang các khu vực khác để tồn tại.

Mặt khác, các loài ở các vùng cực sẽ biến mất hàng loạt khi không còn nơi sinh tồn.

Nguồn hy vọng chính là một giải pháp hạn chế sự nóng lên ở mức 2°C sẽ làm "giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ tuyệt chủng xuống 70%, tránh được sự tuyệt chủng hàng loạt", theo nghiên cứu.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đặt mục tiêu ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu "thấp hơn 2°C so với mức tiền công nghiệp" và nếu có thể là mức 1,5°C. Theo các chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), mục tiêu này là "ngoài tầm với" với các cam kết quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã viết trong một bài báo bình luận đi kèm với nghiên cứu này: “Bởi vì các cuộc tuyệt chủng ở biển không tiến triển nhanh như trên đất liền, do đó chúng ta có thời gian để xoay chuyển tình thế theo hướng tích cực cho sự sống trong đại dương. Chính xác là tương lai của chúng ta ở chiều hướng tốt nhất hay xấu nhất, sẽ được quyết định bởi sự lựa chọn của chúng ta”, họ nói thêm.

Bình luận