Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sau vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương: Người khi đi hát karaoke cần chú ý gì?

(VOH) - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TPHCM vừa đưa ra một số khuyến cáo cho người dân khi đi hát tại quán karaoke.

Ngày sau vụ cháy quán karaoke An Phú, TP Thuận An (Bình Dương), Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TPHCM đã đưa ra một số khuyến cáo an toàn dành cho chủ quán karaoke, quán bar, vũ trường cũng như những người dân thường xuyên tới các địa điểm này.

quán karaoke tại Bình Dương
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đục tường để chữa cháy tại cơ sở kinh doanh Karaoke An Phú (Phường An Phú, TP.Thuận An).

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TPHCM, quán karaoke, quán bar, vũ trường là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đây là những địa điểm có đông người tập trung trong một không gian kín, cách bài trí dễ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản nếu xảy ra cháy nổ.

Thông thường, quán karaoke, quán bar, vũ trường có diện tích chỉ từ 200 đến 300m2 nhưng cao điểm có thể chứa từ 100 đến 200 người.

Mặt trước các quán karaoke, quán bar, vũ trường thường bị che chắn bởi biển quảng cáo, điều kiện thông gió hạn chế nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy. Các cơ sở này được thiết kế dạng hình hộp, sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt lớn với âm thanh cực lớn, hệ thống đèn laser luôn hoạt động liên tục nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ xảy ra.

Một số cơ sở còn cuốn chung đường điện chiếu sáng với đường dây thoát hơi lạnh nên khi một dây chập cháy hoặc dây tổng quá tải sẽ kéo theo cả hệ thống chập cháy hàng loạt. Ngoài ra, tại các phòng nhiều khách còn sử dụng thuốc lá. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên dưới ghế salon và dưới chân các mành vải la liệt tàn thuốc lá.

Xem thêm: Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Ban đầu được xác định do chập điện

Những quy định về PCCC đối với chủ quán karaoke, quán bar, vũ trường

  • Theo quy định, quán karaoke, quán bar, vũ trường… phải được thiết kế đảm bảo có ít nhất 2 lối thoát nạn và bố trí phân tán. Cơ sở không đảm bảo yêu cầu này đều bị Cảnh sát PCCC tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.
  • Khi xây dựng quán karaoke có tổng khối tích từ 1.500m3, chủ cơ sở phải lập hồ sơ thiết kế và gửi cơ quan Cảnh sát PCCC để thẩm duyệt và nghiệm thu trước khi đưa vào hoạt động. Đối với cơ sở kinh doanh karaoke dưới 500 m3 phải trang bị phương tiện, thiết bị PCCC.
  • Cơ sở karaoke có tổng khối tích từ 200 m3 hoặc từ 1.000 m3 trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động; đối với cơ sở karaoke cao từ 3 tầng trở lên hoặc có 1 đến 2 tầng diện tích từ 3.500 m2 phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động.
  • Chủ cơ sở phải tổ chức huấn luyện cho người sống và làm việc kiến thức PCCC, hướng dẫn họ sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy đã được trang bị và kỹ năng thoát nạn khi có cháy.
  • Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo che lấp ban công của cơ sở; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái.
  • Vật liệu dùng để trang trí, ốp trần, tường cách âm cho gian phòng, đặc biệt là phòng hát karaoke, cần trang bị bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, bên trong các vật liệu trang trí này không nên lắp đặt quá nhiều đèn chiếu sáng trang trí.
  • Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số 114 đồng thời tổ chức việc thoát nạn, cứu người và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy.

Xem thêm: Quy định mới về phòng cháy chữa cháy đối với vũ trường, karaoke từ 20/2/2021

Những điều cần làm khi đến quán karaoke, quán bar, vũ trường

Để giảm và ngăn chặn nguy cơ cháy nổ ở quán karaoke, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TPHCM đã đưa ra nhiều khuyến cáo. Cụ thể:

  • Khách khi đến quán karaoke, quán bar, vũ trường phải hỏi nhân viên về lối thoát hiểm trước khi bắt đầu ca hát, vui chơi, đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý được kịp thời và an toàn cho chính bản thân mình.
  • Cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này.
  • Khi có cháy, mọi người cần bình tĩnh tìm lối thoát nạn gần nhất như ban công, cửa sổ, sân thượng.

Kỹ năng thoát khỏi đám cháy trong không gian hẹp

  • Đối với với người dân, cần nâng cao ý thức, tự tìm hiểu, học tập để trang bị kỹ năng, kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc, nơi vui chơi giải trí.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Điệp – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/9/2022, Công an TP Thuận An nhận tin báo xảy ra cháy tại cơ sở kinh doanh Karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An). Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an TP Thuận An đã kịp thời điều động lực lượng tới hiện trường để chữa cháy.

Thống kê cho thấy, tổng diện tích cháy khoảng 400m2, tại khu vực tầng 2 và tầng 3 của cơ sở. Chất cháy chủ yếu: vải, mút xốp, gỗ... Đám cháy được khống chế lúc 21 giờ 30 phút ngày 6/9/2022, tuy nhiên bên trong cơ sở vẫn còn âm ỉ và lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục dập tàn đến 19 giờ ngày 7/9/2022.

Bình luận