Tính đến giữa tháng 3/2025, Việt Nam đã ghi nhận 42.488 ca nghi mắc sởi trên toàn quốc, trong đó có 4.027 trường hợp được xác định dương tính và 5 ca tử vong liên quan đến bệnh này. Đáng chú ý, khoảng 72,7% số ca mắc nằm trong nhóm trẻ em từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi, và hơn 95% trong số này chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà phụ huynh cần thực hiện ngay trong thời điểm này là kiểm tra lại lịch tiêm chủng của con. Vắc-xin sởi mũi đầu tiên vào khoảng 9 tháng tuổi, mũi thứ hai vào 18 tháng tuổi là “lá chắn” hiệu quả nhất để phòng bệnh.
Nếu vì lý do nào đó trẻ chưa được tiêm đúng lịch hãy đưa con đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm bù. Trong một số trường hợp đặc biệt trẻ từ 6 tháng tuổi cũng có thể được chỉ định tiêm sớm nếu đang sống trong vùng có dịch tuy nhiên cần sự chỉ định rõ ràng từ bác sĩ.
Song song với việc tiêm phòng, cha mẹ cũng cần chú trọng đến việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Một chế độ dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin A, C và kẽm sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Trẻ cần được ngủ đủ giấc, vận động đều đặn và tránh căng thẳng kéo dài những yếu tố tưởng chừng đơn giản nhưng lại giúp cơ thể chống chọi tốt hơn khi gặp virus. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị bổ sung vitamin hoặc khoáng chất phù hợp để hỗ trợ sức khỏe tổng thể cho trẻ.

Thời điểm dịch bệnh, việc đưa trẻ đến nơi công cộng, đông người như trung tâm thương mại, khu vui chơi, sự kiện… nên được hạn chế tối đa. Virus sởi có thể lây truyền qua đường hô hấp và có thể tồn tại trong không khí tới vài giờ. Việc giữ khoảng cách an toàn cho trẻ đeo khẩu trang nếu đủ tuổi và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sẽ giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Cha mẹ cũng cần tránh để trẻ tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện sốt, ho, phát ban ngay cả khi đó là người thân quen.
Bên cạnh việc phòng ngừa điều quan trọng không kém là nhận biết sớm các dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi để kịp thời đưa trẻ đi khám. Sởi thường bùng phát theo chu kỳ 5 năm một lần. Bệnh sởi thường khởi phát với các biểu hiện như sốt cao, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ sau đó vài ngày xuất hiện ban đỏ lan dần từ mặt xuống thân và tay chân.
Nhiều phụ huynh nhầm lẫn triệu chứng ban đầu của sởi với cảm cúm thông thường nên bỏ qua giai đoạn vàng để điều trị. Việc tự ý điều trị tại nhà, dùng thuốc không theo chỉ định, hoặc trì hoãn thăm khám có thể khiến bệnh trở nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não.
Trước làn sóng dịch bệnh đang có dấu hiệu gia tăng điều quan trọng nhất mà mỗi cha mẹ cần giữ là sự bình tĩnh và chủ động. Đừng hoảng sợ nhưng cũng đừng chủ quan. Dành thời gian theo dõi sát tình hình dịch tễ tại địa phương, cập nhật khuyến cáo từ cơ quan y tế và chuẩn bị mọi thứ từ tinh thần đến vật chất để bảo vệ con đó là cách thể hiện tình yêu thiết thực nhất trong giai đoạn này. Sởi không phải là bệnh lạ, nhưng những hệ lụy mà nó gây ra sẽ rất nghiêm trọng nếu bị xem nhẹ.
Bảo vệ con trước dịch sởi không cần đến những hành động to tát mà chỉ cần sự quan tâm đủ sâu sắc, kiến thức đủ rõ ràng, và hành động đủ kịp thời.