Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tàn tích nhà vệ sinh 700 năm trước vừa được phát hiện ở Nhật Bản

VOH - Nhóm khảo sát tìm thấy nhiều hố đường kính khoảng 1,5m, cho thấy rằng người dân thời đó đã sử dụng nhà vệ sinh trong khi ngồi trên ván.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện tàn tích của những nhà vệ sinh được cho là đã được sử dụng cách đây khoảng 700 năm, giữa thời kỳ Kamakura (1185-1333) và thời kỳ Muromachi (1336-1573), tại di tích Suwanomae ở thành phố Akune, tỉnh Kagoshima, phía Tây Nam Nhật Bản.

Cuộc khai quật được Quỹ xúc tiến văn hóa của tỉnh Kagoshima thực hiện trong năm tài chính 2023, trên di tích rộng 6.646 m2, nằm trên cao nguyên pyroclastic (nham thạch vụn) ở độ cao 34m, trong khuôn khổ triển khai dự án xây dựng Đường cao tốc Minami-Kyushu.

tan-tich-nha-ve-sinh-3172-5-3
Phần còn lại của một nhà vệ sinh được tìm thấy - Ảnh: The mainichi

Quá trình khai quật, nhóm khảo sát tìm thấy 6 hố đất hình tròn, đường kính khoảng 1,5-1,6m và sâu khoảng 1,3m mỗi hố, có hạt giống cây trồng bên trong. Kiểm tra 4 trong 6 hố thấy đất trong 2 hố có chứa trứng giun đũa và giun tóc, phấn hoa của các loại rau họ cải như củ cải và các loại kiều mạch, gạo, vừng, hạt cây nguyệt quế đỏ và vỏ sò.

Các nhà khoa học tin rằng giun đũa và giun tóc đã lây nhiễm cho những người ăn rau sống có trứng ký sinh trùng bám vào. Trứng và phấn hoa từ các loại cây ăn được được phát hiện với nồng độ cao, các nhà nghiên cứu xác định rằng các hố là tàn tích của nhà vệ sinh nơi phân được thải ra.

Mỗi hố có đường kính khoảng 1,5m, các nhà khoa học lập luận người dân thời đó sử dụng nhà vệ sinh trong khi ngồi trên ván.

Giáo sư khảo cổ học Hiroki Obata của Đại học Kumamoto cho biết: "Những phát hiện này rất quan trọng trong việc hiểu được tình trạng nhà vệ sinh, thói quen ăn uống và môi trường vệ sinh trong thời kỳ Kamakura đến Muromachi."

Tại cùng địa điểm, các nhà khoa học cũng khai quật được tàn tích của 4 công trình trụ dưới lòng đất, một nhà hầm và một nhóm địa điểm lò nung.

Bình luận