Trần Tử Văn - người “thổi hồn” cho những tiểu thuyết hình sự "không tiếng súng"

VOH - Từng là công an, nhà báo – đại tá Trần Tử Văn - nguyên phó tổng biên tập Báo Công An TPHCM đã tích góp nhiều góc nhìn về tội phạm trong xã hội.

Trần Tử Văn có sự thấu hiểu sâu sắc về những thân phận trong quá trình thực thi pháp luật, vạch trần tội ác, đồng thời luôn trăn trở về vấn đề làm thế nào giúp cho những người lầm lạc, giúp họ phục thiện và góp phần đem lại yên bình cho xã hội - Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn đã chia sẻ với phóng viên VOH.

anh-1_20250401210857
Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn gặp gỡ phóng viên VOH - Ảnh: Thủy Tiên.

Những tiểu thuyết hình sự từ suy tư của một nhà báo công an không ngại nguy hiểm

*VOH: Thưa ông, ngoài công việc làm báo, cơ duyên nào mà ông gắn bó với việc sáng tác tiểu thuyết hình sự?

Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn: Đầu tiên phải nói là do nghề nghiệp. Lúc đó tôi làm cho báo Công An, liên quan đến vấn đề trật tự xã hội, từ đó tôi nảy ra những ý tưởng để viết.

Viết đi sâu vào những nghịch cảnh, điều gì đã dẫn con người đến việc phạm tội, chứ không phải để thêu dệt lên những câu chuyện hoang đường hay nâng cao vai trò anh hùng cá nhân. Mình phải giải đáp những động cơ, chứ chỉ nói về chuyện phạm tội thôi thì không giải quyết được gì.

Rất nhiều thân phận trong xã hội khi tôi tiếp xúc mới thấy được nguyên nhân đưa đẩy họ phạm tội. Nào là do thất học, do nghèo đói, do những bất đồng trong cuộc sống..., những điều đó đẩy họ ra đường, khiến họ có những ý nghĩ xung đột rồi gây tác hại cho xã hội.

*VOH: Để tiểu thuyết hình sự hấp dẫn người đọc, chắc hẳn người viết phải có nhiều trải nghiệm để thấu hiểu từng thân phận con người, thưa ông? 

Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn: Tôi đích thân đi tìm hiểu nhiều năm tháng. Những quyển đầu tôi viết, như quyển “Linh hồn thiếu phụ” - viết về một tướng cướp hoàn lương, những trăn trở và sự hỗ trợ giúp đỡ của địa phương vô cùng khó khăn.

Không phải cứ nói hoàn lương là hoàn lương liền được, anh tướng cướp này phải nhiều lần đấu tranh với chính bản thân, rồi chính quyền địa phương và cảnh sát khu vực cũng phải nhiều lần đấu tranh, giúp đỡ để anh có điều kiện hoàn lương.

Quyển “Linh hồn thiếu phụ” sau đó được chuyển thể thành phim “Xóm nước đen” gồm 4 tập và chiếu trên truyền hình, một bộ phim rất nhân bản do anh Vinh Sơn đạo diễn.

Sau này còn có thêm những phim chuyển thể khác như “ Không thể siết xò”, “Pháp trường yên ả”...Tất cả tác phẩm này đều quy về việc đi tìm ra nguyên nhân vì sao con người phạm tội, và xử lý những hành vi phạm tội bằng luật pháp nhưng cũng hợp tình cảm, nhân văn, không phải kiểu “nợ máu trả máu”.

Cho đến những bộ phim truyền hình gây tiếng vang trong dư luận

*VOH: Tiểu thuyết hình sự nào ông tâm nhắc nhất, nó chuyển tải thông điệp gì?

Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn: Quyển “Linh hồn thiếu phụ” (phim Xóm nước đen) là một kỷ niệm nghề. Đây là tâm huyết của tôi viết từ thực tế những năm tháng làm báo.

Những năm làm báo, tôi đã thâm nhập các khu ổ chuột, những xóm nước đen thuộc địa bàn phức tạp nhất về tội phạm. Tôi tiếp xúc và xây dựng ra nhân vật chính của tác phẩm, sau đó tôi giải quyết chuyện phạm tội của nhân vật dựa trên nền tảng đạo đức và luật pháp, cho nhân vật cơ hội tiếp tục cuộc sống phía trước một cách tốt hơn.

anh-2_20250401210857
Nhà báo Trần Tử Văn và quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Kế hoạch J.96” - Ảnh: Thủy Tiên.
anh-3_20250401210857
Phim truyền hình “Đô la trắng” gây tiếng vang được chuyển thể từ tiểu thuyết “Kế hoạch J.96” của nhà báo Trần Tử Văn  - Ảnh: Thủy Tiên.

Kế đó là quyển “Kế hoạch J96” được chuyển thể thành phim “Đô la trắng” do anh Trần Cảnh Đôn đạo diễn, quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng. Phim được chiếu trên các đài truyền hình. Đây cũng là tác phẩm vạch trần những tội ác ma túy và thể hiện rõ cuộc đời của từng tội phạm, cho dư luận thấy được nguyên nhân vì sao họ phạm tội ác, gây đau khổ cho xã hội và phải trả giá rất nhiều.

*VOH: Theo ông có những cái khó gì để một người hoàn lương, xã hội cần hỗ trợ gì cho họ?

Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn: Tôi nghĩ là phải kiếm gì đó cho họ làm, vì ai cũng cần tiền để sống. Nhưng cái khó là đa phần họ ít học hành, không bằng cấp? Đó là trăn trở lớn nhất.

Nhiều người lún sâu vào tội lỗi, “mỏi gối chùn chân” rồi mới chịu dừng lại, nhưng tiếp tục sống những ngày không có tương lai.

Quan trọng là đừng nên nhìn họ bằng ánh mắt cay nghiệt mặc dù họ là những người gây tội ác, có những người gây tội ác rất kinh khủng, giết người, cướp bóc, lừa lọc..., nhưng chúng ta cần nhìn rộng hơn những giằng xé và lòng trắc ẩn của những thân phận mới có thể giúp họ thay đổi.

Nếu chỉ nhìn vào những hành vi phạm tội để lên án gay gắt thì những hành vi đó sẽ vẫn tiếp diễn, hết người này sẽ có người khác, hết lứa này sẽ ra lứa khác, không bao giờ hết được những tiêu cực trong xã hội.

Khi đọc tiểu thuyết của tôi, một số nhà văn như anh Vũ Hạnh, anh Mai Văn Tạo, cả nhạc sĩ Phú Quang cũng đều nhận xét rằng tiểu thuyết của tôi không có súng đạn mà chỉ có hoa hồng!

“Tôi nhìn thấy nước mắt giang hồ sau những oai phong trong thế giới ngầm”

*VOH: Tiểu thuyết “Nước mắt giang hồ” của ông được giới mộ điệu quan tâm, chắc phải có sự đồng cảm, góc nhìn khác về "thế giới" này ông mới đặt tên sâu sắc vậy?

Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn: Một sự thật là không “giang hồ” nào có một gia đình tử tế cả, hầu hết là nợ nần, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, ly tán..., tất cả những bi kịch đó đôi khi đổ dồn vào một gia đình, vì vậy mà họ chọn “dấn thân” vào đường tội lỗi. Cuối cùng chỉ có nước mắt chứ không bao giờ có được sự giàu sang hay sung túc.

Là người viết báo, viết sách dĩ nhiên phải vạch trần cái ác, chức năng của ngòi bút là giáo dục, không chỉ cảnh báo cho những người chưa bước chân vào đường lầm lạc, mà còn phải tìm cách giúp những người lầm lạc quay trở lại.

Trong quá trình làm nghề, tôi lặn lội từng hang cùng ngõ hẻm, vô trại giam, gặp rất nhiều “tay anh chị”, những “đại ca” cộm cán, có tên tuổi trong thế giới ngầm.

Có những người trong nhà họ không có nổi nhà vệ sinh, ra đường thì “số má” rất cao, ai cũng phải sợ, nhưng về nhà thì vợ con bệnh không có tiền chữa, gia đình ly tán, nợ nần tiền bạc thì giải quyết bằng cách “ai đòi thì xử”... Mãi mãi họ ở trong vòng lẩn quẩn đó, không có lối ra, cuối cùng chỉ có nước mắt chứ không thể có hoa hồng.

Vì vậy, thấy những “đại ca” này trả giá, tôi góp nhặt những suy tư của mình, viết nên “Nước mắt giang hồ”. Tôi lên án, bài trừ mạnh mẽ nhưng tôi cũng thấu cảm những gì phía sau!

anh-4_20250401210857
Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn hiện nay vẫn đầy nhiệt huyết sáng tác - Ảnh: Thủy Tiên.

*VOH: Nhiều năm gắn bó với lực lượng công an trên địa bàn Sài Gòn - TPHCM, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề tội phạm hiện nay?

Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn: Rất phức tạp và kinh khủng, diễn biến khó lường. Những thập niên trước, tội phạm chủ yếu là “liều mạng”, lấy lá gan mà gây tội, họ đối phó với cảnh sát bằng những chiêu tinh quái thôi, rồi cảnh sát đối phó lại bằng những nghiệp vụ thông thường như điều tra hiện trường, lấy dấu vân tay...

Với thời đại công nghệ hiện nay, tội phạm dựa vào công nghệ nên rất tinh vi, ranh ma. Nhiều vụ khi công an ập vào bắt thì có hàng trăm người, mỗi người một máy tính, có rất nhiều bạn trẻ, bản chất không phải tội phạm, nhưng vào đó làm việc, rồi trở thành đồng phạm, đi lừa gạt người dân qua công nghệ, rồi bị bắt chung.

Chưa kể vấn đề phim ảnh bạo lực tác động tâm trí con người, khiến nhiều kẻ gây án rất man rợ, che đậy tinh vi. Cảnh sát hiện nay phải có nhiều nghiệp vụ để đối phó với tình hình tội phạm phức tạp này, phải đào tạo lực lượng chuyên môn, bài bản và nâng cao, phải giỏi về truyền thông toàn cầu chứ không đơn giản như ngày trước.

*VOH: Không biết bây giờ ông có còn sáng tác không và vẫn mảng hình sự hay có gì mới, thưa ông?

Nhà báo - đại tá Trần Tử Văn: Tôi vẫn viết cho các báo, từ văn nghệ cho đến công an, văn hóa nghệ thuật...

Dự định sắp tới của tôi là in một quyển triết lý nhỏ về cuộc đời, như một lời nhắn gửi đến các bạn trẻ, họ thắc mắc vấn đề gì tôi sẽ giải đáp và trao đổi. Chẳng hạn, vì sao nghèo? vì sao không có tư duy khác người? vì sao lại không có kiên nhẫn? vì sao làm biếng?...

Tôi sẽ in thành tập, tôi nghĩ điều này sẽ có lợi cho các bạn trẻ, vì bản thân tôi lăn lộn nhiều năm, cũng giác ngộ nhiều thứ nên có rất nhiều điều muốn chia sẻ!

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Bình luận