Cuộc chiến pháp lý giữa hai người bắt đầu cách đây 9 năm, khi người chồng, một doanh nhân giàu có, đệ đơn yêu cầu ly hôn. Trong quá trình hòa giải, ông đề xuất mức bồi thường bao gồm phân chia tài sản và tiền an ủi tinh thần lên tới gần 6 tỉ yên. Tuy nhiên, người vợ không chấp nhận thỏa thuận này, với lý do muốn trừng phạt chồng và người tình vì những tổn thương bà phải gánh chịu trong suốt cuộc hôn nhân.
Người vợ cho biết, hành vi ngoại tình của chồng bắt đầu từ khi ông ở độ tuổi 30. Trong nhiều năm, bà thuê thám tử tư để thu thập bằng chứng và buộc các mối quan hệ ngoài luồng của chồng phải chấm dứt. Mỗi lần phát hiện chồng phản bội, bà đều cố gắng hàn gắn gia đình vì con cái và hình ảnh xã hội.

Những nỗ lực đó dần trở nên vô nghĩa khi vài năm gần đây, người chồng chuyển tới sống cùng nhân tình tại nơi công tác, không còn quay về căn hộ chung. Người vợ buộc phải sống ly thân, nhận khoản chu cấp 1,8 triệu yên (khoảng 306 triệu đồng) mỗi tháng để nuôi con.
Sau khi các con trưởng thành, người chồng tiếp tục đề nghị ly hôn và hứa chia cho vợ 5 tỉ yên (hơn 850 tỉ đồng) tài sản, bao gồm căn hộ cao cấp và tiền tiết kiệm. Ông cũng cam kết bồi thường thêm 30 triệu yên (hơn 5 tỉ đồng) để bù đắp tổn thất tinh thần.
Mặc dù đề nghị tài chính được đánh giá là "hậu hĩnh", người vợ vẫn kiên quyết từ chối ký đơn ly hôn. Đối với bà, việc buông tay không chỉ là kết thúc cuộc hôn nhân mà còn là sự tha thứ cho những tổn thương sâu sắc mà bà đã chịu đựng trong suốt thời gian dài.
Câu chuyện ly hôn của cặp vợ chồng này phản ánh thực trạng "ly hôn tuổi trung niên" đang gia tăng tại Nhật Bản. Khác với những cuộc ly hôn trẻ tuổi, các vụ ly hôn "xám" (gray divorce) thường liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý, danh dự xã hội và hệ lụy tài chính lâu dài.
Số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy tỷ lệ ly hôn tại nước này tăng từ 1,66 vụ trên 1.000 dân năm 2000 lên 1,94 vụ trên 1.000 dân vào năm 2020. Các cặp vợ chồng ở độ tuổi 40-60 chiếm tỉ lệ không nhỏ trong số đó.
Đối với thế hệ trung niên Nhật Bản, hôn nhân vẫn được xem là sự gắn kết trọn đời. Việc ly hôn, nhất là ở tuổi xế chiều, thường bị coi là thất bại cá nhân, ảnh hưởng nặng nề đến danh dự gia đình. Phụ nữ, nhất là những người thuộc tầng lớp thượng lưu, chịu áp lực duy trì hình ảnh gia đình hoàn hảo để bảo toàn vị thế xã hội.
Trong bối cảnh đó, nhiều phụ nữ như người vợ trong câu chuyện chọn cách níu giữ hôn nhân không chỉ vì kinh tế, mà còn vì lòng tự trọng và nỗi oán hận chưa thể nguôi ngoai.