Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tự truyện nổi tiếng "Totto-chan bên cửa sổ" được trao kỷ lục Guinness

VOH - Ngày 18/12, "Totto-chan bên cửa sổ" – tự truyện nổi tiếng của tác giả Nhật Bản Tetsuko Kuroyanagi được Kỷ lục Guinness Thế giới trao giải tự truyện được xuất bản nhiều nhất do một tác giả viết.

Tính đến cuối tháng 9/2023, "Totto-chan bên cửa sổ" đã được xuất bản tổng cộng hơn 25,1 triệu bản trên toàn thế giới. Cuốn sách được dịch sang hơn 20 thứ tiếng và bán được hơn 8 triệu bản chỉ riêng ở Nhật Bản - theo cơ quan công nhận kỷ lục thế giới và nhà xuất bản Nhật Bản Kodansha Ltd.

Totto-chan
Tác giả Tetsuko Kuroyanagi chụp ảnh cùng cuốn tự truyện thời thơ ấu và giấy chứng nhận Kỷ lục Guinness Thế giới. - Ảnh: Kyodo

"Totto-chan bên cửa sổ" được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1981 và phần tiếp theo được phát hành vào tháng 10 đã vượt mốc nửa triệu cuốn.

Một bộ phim hoạt hình dựa trên bản gốc, mô tả cuộc sống học đường khác thường của cô bé Totto-chan trong khoảng thời gian Thế chiến thứ hai đã ra rạp tại Nhật Bản vào ngày 8/12.

Kỷ lục Guinness Thế giới cũng đã công nhận, chương trình truyền hình "Tetsuko no Heya" (Tetsuko's Room) có nhiều tập trò chuyện truyền hình nhất do cùng một người dẫn chương trình dẫn dắt.

Kuroyanagi Tetsuko sinh năm 1933 tại Nogizaka (Tokyo), là nhà văn thiếu nhi, đồng thời là diễn viên, người dẫn chương trình truyền hình rất nổi tiếng tại Nhật Bản.

Bà là người sáng lập quỹ Totto Foundation, đặt tên dựa theo cô bé Totto-chan trong cuốn sách nổi tiếng nhất của bà.

Với những thành tựu trong lĩnh vực truyền thông và truyền hình, Kuroyanagi Tetsuko đã giành giải thưởng Japanese Cultural Broadcasting, được coi là niềm vinh dự cao nhất trong giới truyền hình Nhật Bản.

Totto-chan bên cửa sổ kể về cô bé Totto-chan sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, có cha là nghệ sĩ vĩ cầm, mẹ là vận động viên bóng rổ. 6 tuổi, Totto-chan đã bị đuổi học chỉ vì tính cách lạ lùng và hiếu động.

Trong giờ học, cô bé đã gọi cả gánh hàng rong vào lớp biểu diễn, thậm chí còn đứng ở cửa sổ gọi và nói chuyện với mấy chú chim khiến các bạn xung quanh không thể học. Giáo viên đã kết luận cô bé "thật là phiền phức lắm".

Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi Totto-chan chuyển đến ngôi trường mới Tomoe.

Đó là một ngôi trường "kỳ lạ", lớp học ở trong toa xe điện cũ, học sinh được thỏa thích thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, muốn học môn nào trước cũng được. Chẳng những thế, khi đã học hết bài, các bạn còn được cô giáo cho đi dạo.

Ở Tomoe, học sinh sẽ được phát triển tự nhiên vì "ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô".

Ở Tomoe, cá sẽ được học bơi, chim sẽ được tung cánh trên bầu trời, chẳng ai ép buộc một con cá học leo cây để rồi trách chúng vô dụng cả!

Ở Tomoe, các em được lắng nghe, được thấu hiểu, bằng những phương pháp thú vị, qua các bậc nhà giáo tuyệt vời… Thầy Kobayashi đã nói với Totto-chan, cô nhóc từng bị "đuổi học", từng bị đánh giá là "hư hỏng, phá phách" rằng: "Em thật là một cô bé ngoan".

Chính nhờ Tomoe và thầy Kobayashi mà các học sinh dưới mái trường ấy đều trở thành người tốt và thành công trong xã hội.

Totto-chan bên cửa sổ đã trở thành tác phẩm kinh điển dành cho cả thiếu nhi lẫn người lớn. Những quan điểm và tư tưởng tiến bộ về giá trị giáo dục của cuốn sách vẫn mang tính thời sự cho đến ngày nay.

Bình luận