Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa muốn sinh con?

VOH - Hiện nay, có rất nhiều cặp đôi trẻ chọn 'về chung một nhà' nhưng lại không muốn sinh con. Lý do gì đã khiến họ lựa chọn như vậy?

H. Phương (30 tuổi) kết hôn đã được 5 năm nhưng vẫn chưa sinh con. “Mọi người cứ hay hỏi tôi, có em bé chưa hay khi nào sinh con? Rõ là bực bội” – Phương chia sẻ.

Bạn trẻ này nói thêm: “Hầu hết những người cùng thế hệ với tôi đơn giản là không đủ khả năng chi trả cho việc nuôi con. Việc không sinh con là lựa chọn những cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Đó là một thực tế phải chấp nhận và thật là mệt vì người lớn cứ gặp là hỏi vợ chồng tôi về vấn đề này".

sinh-con-280624
Vì áp lực cuộc sống, nhiều người trẻ trì hoãn việc sinh con - Ảnh: Pixels

H. Phương hiện đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài. Chồng của cô là bác sĩ của một bệnh viện tư nhân. Cả hai đều bận rộn và ngoài mục tiêu trước mắt là tích lũy tiền để mua nhà, họ chưa nghĩ tới việc sinh con.

H. Phương cho rằng, trước khi sinh một đứa trẻ cần phải tích lũy đủ tài chính, khi sinh con thì cần thời gian để chăm sóc tốt cho con… “Nếu sinh con mà không nuôi dạy con đàng hoàng thì bản thân con khổ, mà mình cũng phải suy nghĩ rất nhiều” – H. Phương nói.

H. Phương là một trong số không ít người trẻ đang trì hoãn việc sinh con do áp lực cuộc sống và áp lực kinh tế. Điều này không chỉ là mối lo đối với các bậc cha mẹ lớn tuổi vì “mãi chẳng có cháu”, mà còn là mối lo chung của xã hội khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm.

Theo một cuộc khảo sát về hôn nhân mới đây, bên cạnh vấn đề kinh tế, còn nhiều lý do khiến vợ chồng trẻ chưa muốn sinh con.

Kinh tế gia đình chưa vững

Chị T.T.D, đã kết hôn 3 năm nhưng chưa sinh con, chia sẻ: “Hai vợ chồng mình thu nhập ổn định nhưng nếu sinh con thì có rất nhiều chi phí phải lo. Nếu như mình nghỉ ở nhà dưỡng thai thì sẽ mất đi một nguồn thu nhập. Bọn mình muốn tiết kiệm thêm để sau khi nghỉ dưỡng thai vẫn có đồng ra đồng vào và đỡ vất vả cho chồng”.

Theo một cuộc khảo sát, lý do khiến các gia đình trẻ không muốn sinh con chiếm 60% là vấn đề kinh tế. Nhiều người trẻ muốn lo cho con cái có cuộc sống tốt hơn nên tạm gác việc sinh con, tập trung vào việc kiếm thêm thu nhập, để con cái sau này có một cuộc sống tốt hơn.

Thực tế, tài chính dành cho việc nuôi và dạy con không hề nhỏ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Có thể dễ dàng thu thập được thông tin về: chi phí khám thai tại các bệnh viện; chi phí sinh con; chi phí các dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc bà mẹ sau sinh; chi phí tiền thuốc, khám chữa bệnh, tiêm phòng… của trẻ nhỏ tại các phòng khám nhi, các cơ sở tiêm phòng.

Ngoài ra, còn có chi phí học, học thêm ở các cấp; chi phí bỉm, sữa, đồ cho trẻ sơ sinh, trẻ em...

Tổng hợp tất cả các khoản chi phí này, người trẻ có một bức tranh khá rõ về số tiền để thai nghén và nuôi dạy một đứa trẻ cho tới khi 18 tuổi. Con số này quả thực là áp lực rất lớn với nhiều người!

Tập chung cho sự nghiệp riêng

Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay chọn tập trung vào sự nghiệp cũng như phát triển bản thân trong công việc thay vì sinh con.

Lý do này thường gặp ở những người đang bận rộn với công việc và đặt mục tiêu cao cho sự nghiệp. Thời gian chính họ dành cho công việc và rất khó để thay đổi quỹ thời gian này.

Việc đặt mục tiêu cao trong công việc thường gắn với mục tiêu tài chính ổn định hơn trong tương lai, cũng là để có tiền lo cho con cái. Tuy nhiên vấn đề là càng bận rộn với công việc, người trẻ càng khó thoát khỏi trạng thái này kể cả khi có nền tảng tài chính tốt.

Rất nhiều người trẻ cũng lo sợ việc nghỉ thai sản sẽ mất việc làm do thời gian nghỉ quá lâu, công việc có người khác thay thế. Hiện nay lao động trong các công ty tư nhân là chủ yếu, môi trường làm việc cạnh tranh cao, đòi hỏi phải sát sao với công việc liên tục nên rất khó để có quỹ thời gian nghỉ dài lên tới vài tháng.

sinh-con-280624-1
Cần có nhiều chế độ hơn để hỗ trợ các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con - Ảnh: ThoughtCo

Sợ mang thai, trầm cảm sau khi sinh

Đây là nguyên nhân thứ ba cũng là ‘nỗi sợ’ của các chị em đã có gia đình và ở trạng thái độc thân khi khảo sát về hôn nhân.

“Rất sợ trầm cảm sau khi sinh” - đây là chia sẻ của chị P.T sau khi chứng kiến bạn mình sinh con.

Chị P.T chia sẻ thêm: “Bạn tôi bị trầm cảm sau khi sinh con, mỗi khi bé khóc vì đói thì bạn tôi đã không chịu được mà hét lớn và không cho con bú sữa. Tôi cũng sợ bị như vậy”. 

Ngoài trầm cảm sau sinh thì người mang thai còn thay đổi về hình thể, rối loạn tâm lý trong thời gian mang thai. Do hóc môn thay đổi, phụ nữ mang bầu sẽ nhạy cảm, cáu gắt và khó chịu hơn trước lúc mang bầu. Sau khi sinh xong các chị em cũng sẽ bị giảm trí nhớ sau sinh, tính tình cũng nhạy cảm hơn.

Tận hưởng cuộc sống vợ chồng son

Rất nhiều vợ chồng trẻ chưa muốn sinh do sợ phải tập trung thời gian cho con cái, không còn thời gian riêng cho hai vợ chồng.

Trong một buổi fan meeting của vợ chồng Khởi My và Kelvin Khánh, khi khán giả hỏi về việc sinh em bé, Kelvin Khánh cho biết: “Khánh và My thống nhất không sinh con mà sống với nhau như vậy đến già. Cuộc sống hai người hiện tại đang rất vui, cho nên cứ sống với nhau như vậy, thấy cần có con thì cả 2 sẽ tính tiếp”.

Thực tế, quỹ thời gian dành cho con cái tùy theo khả năng đáp ứng và mong muốn của mỗi người nên không có quy ước chung. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu khi trẻ mới ra đời cần dành nhiều thời gian hơn.

Ví dụ như, phụ nữ phải nghỉ thai sản từ 4-6 tháng kể từ khi sinh nở, vừa để hồi phục sức khỏe, vừa để có thời gian chăm sóc con khi nhỏ. Không riêng người vợ, người chồng (chưa kể cả 2 bên gia đình) cũng phải giúp sức.

Do đó nếu gia đình hạn chế về nhân lực và vật chất thì áp lực thời gian cho con cái thường rất nặng nề.

Việc nuôi dưỡng con nhỏ đòi hỏi sự chăm sóc liên tục, hàng ngày. Nếu có ông bà chăm sóc cũng chỉ có thể trong một thời gian ngắn, mang tính hỗ trợ chứ khó để thay thế được vai trò của cha mẹ. Theo đó, việc chăm sóc con chiếm gần hết thời gian và tâm trí còn lại ngoài giờ làm việc, dẫn tới việc người trẻ không có thời gian cho bản thân nữa.

Trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ, tự do phát triển bản thân của người trẻ tuổi rất cao. Điều này không chỉ xuất phát từ bản thân họ mà còn do bạn bè, do hình ảnh, tin tức trên Internet tác động, lôi kéo, kích thích.

Chính vì vậy quyết định “muốn có con” đòi hỏi họ phải đánh đổi rất nhiều thứ, chấp nhận thay đổi trong một thời gian tương đối dài, từ 3-5 năm với trường hợp có 1 con, và từ 5-8 năm với trường hợp có 2 con (trung bình mỗi con cách nhau 2 tuổi).

Sức khỏe

Các cặp đôi trước khi kết hôn sẽ đến bệnh viện đến khám tiền hôn nhân để biết bản thân mình có mắc phải những bệnh liên quan đến việc sinh sản hay không.

Một số cặp trì hoãn sinh con do gặp phải các bệnh như bệnh lý về buồng trứng, u xơ tử cung... - các bệnh khó mang thai. Họ sẽ tập trung thời gian và tiền bạc để chữa bệnh trước khi chào đón thành viên mới.

Có nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng trẻ đưa ra lựa chọn chưa muốn có con. Để thực hiện 'khuyến sinh' không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số trẻ được sinh ra mà quan trọng nhất vẫn là: cần có nhiều chế độ hơn để hỗ trợ các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con.

Bình luận