Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) là dịp để người dân Việt Nam bày tỏ lòng thành kính đối với các vua Hùng, những người sáng lập nên Nhà nước Văn Lang, khai sinh ra nền văn minh và lịch sử của dân tộc. Những giá trị văn hóa, đạo lý truyền thống được tái hiện và giữ gìn đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt. Việt Nam kỳ thú sẽ đi tìm hiểu và khám phá.
Tinh thần đại đoàn kết
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mang đậm tinh thần đại đoàn kết dân tộc, một yếu tố vô cùng quan trọng giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thử thách, gian khó trong lịch sử. Hàng ngàn năm qua, từ thế hệ này sang thế hệ khác, người dân Việt Nam luôn khắc ghi lời dạy của các vua Hùng về việc bảo vệ đất nước và duy trì sự thống nhất, hòa hợp giữa các cộng đồng dân tộc. Sự đoàn kết ấy không chỉ thể hiện qua những nghi thức dâng hương trang trọng, mà còn qua những hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian diễn ra trong khuôn khổ lễ hội.

Các hoạt động trong lễ hội như thi gói bánh chưng, giã bánh dày hay thi bơi chải trên sông Lô đã trở thành biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, nối liền quá khứ và hiện tại. Những trò chơi này nhắc người dân nhớ lại những giá trị lịch sử, đồng thời tôn vinh những sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc như bánh chưng và bánh dày – những món ăn không thể thiếu trong lễ hội Giỗ Tổ.
Bản sắc văn hóa: Gìn giữ những truyền thống
Theo truyền thuyết dân gian, bánh chưng và bánh dày ra đời từ câu chuyện cảm động về Lang Liêu, một chàng trai nghèo nhưng tài ba đã tạo ra những chiếc bánh này để dâng lên vua Hùng trong một cuộc thi dâng lễ vật. Mặc dù không có đủ điều kiện để chuẩn bị những món ăn cầu kỳ, Lang Liêu vẫn khéo léo làm ra chiếc bánh chưng vuông vắn và bánh dày tròn đầy.
Bánh chưng với hình dáng vuông vức biểu trưng cho đất. Trong tư duy của người phương Đông, đất là nơi con người sinh sống, phát triển và tồn tại. Hình vuông của bánh chưng như một lời nhắc nhở về sự vững chãi, bền bỉ của đất đai, quê hương, nơi con cháu luôn quay về. Ngược lại, bánh dày lại có hình tròn tượng trưng cho trời, đại diện cho sự vô tận và bao la. Trời là nguồn gốc của vũ trụ, là yếu tố cần thiết cho sự sống. Hình tròn của bánh dày phản ánh sự hoàn hảo, sự liên kết giữa trời và đất có mối quan hệ hài hòa. Trời và đất luôn song hành tạo nên sự sống và thịnh vượng cho muôn loài.

Với mỗi chiếc bánh chưng, bánh dày, người Việt không chỉ tôn vinh lịch sử mà còn khắc sâu tình yêu và lòng biết ơn đối với đất đai, thiên nhiên – những yếu tố quan trọng tạo nên sự vững bền của dân tộc. Đây là dịp để nhắc nhở thế hệ mai sau về nguồn cội, về trách nhiệm bảo vệ và phát triển đất nước như lời dạy của các bậc tiền nhân: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Sự kiện này cũng là cơ hội để thế giới biết đến và trân trọng những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định sự độc đáo và giá trị tinh thần to lớn của tín ngưỡng này đối với toàn bộ cộng đồng nhân loại. Đây là niềm tự hào của Việt Nam trở thành một phần trong kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Khi đến đây tham dự Lễ hội, các du khách được hòa mình trong không khí trang nghiêm của buổi lễ và tham gia các trò chơi thú vị ở phần hội. Ở phần lễ được thực hiện các nghi lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng luôn đi kèm với một nghi lễ đặc sắc: lễ rước kiệu về Đền Hùng. Đây là một truyền thống đã được các xã xung quanh di tích duy trì và bảo tồn suốt hàng nghìn năm. Theo truyền thuyết, 41 làng xã ven di tích từng thờ phụng vợ con và tướng lĩnh của các vua Hùng, vì thế vào ngày Giỗ Tổ, các xã này tổ chức lễ rước kiệu để dâng lễ vật lên tổ tiên tại Đền Hùng. Mỗi đám rước lại gắn với một câu chuyện huyền thoại riêng biệt.

Bên cạnh những nghi lễ trang trọng, phần hội trong Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là một bữa tiệc văn hóa đầy màu sắc mang lại không khí vui tươi, náo nhiệt khiến ai cũng phải trầm trồ. Không gian lễ hội như bừng tỉnh sống động hơn bao giờ hết với những chương trình văn hóa đường phố độc đáo. Những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương thu hút, lôi cuốn đông đảo du khách từ khắp nơi đổ về.

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương là sự hòa quyện tuyệt vời giữa những nét đẹp văn hóa dân gian lâu đời và những yếu tố mới mẻ, hiện đại. Sự kiện mang đến sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, một hành trình trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa khiến mọi du khách thập phương về tham dự đều cảm thấy hài lòng và lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ.
Giữ lửa lòng yêu nước
Tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, dịp để tưởng nhớ quá khứ và làm động lực mạnh mẽ để chúng ta hướng tới tương lai. Lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” như một ngọn đuốc sáng, dẫn đường cho các thế hệ mai sau. Đây là lời nhắc nhở không thể quên về trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ độc lập, tự do cho đất nước, đồng thời bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa đã làm nên bản sắc dân tộc.
Mọi người dân Việt Nam, dù trong nước hay ở nước ngoài cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng một đất nước thịnh vượng. Duy trì giá trị văn hóa dân tộc, truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết và phát triển, tạo dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.
Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để chúng ta quảng bá Di sản văn hóa quý báu này ra thế giới, một Di sản đã tồn tại suốt hàng nghìn năm và ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm của người Việt trở thành một phần không thể thiếu trong đạo lý truyền thống của dân tộc.