Tiêu điểm: Nhân Humanity

Việt Nam tuổi thọ tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp hơn so với nhiều nước

(VOH) - Việt Nam đang đối diện với thách thức là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á.

Ngày 7/4, Viện Triết học Phát triển phối hợp Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, Hội người Cao tuổi Việt Nam, Bệnh viện Thống Nhất và Hội Khoa học Nhân lực Nhân tài Việt Nam TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ với chủ đề “Sức khỏe tuổi thọ trong nền văn minh nhân loại ngày nay” .

Hiện nay, người Nhật Bản sống lâu nhất và người Huza sống thọ nhất. Số người trên 100 tuổi ở Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua con số 80.000 người trong bối cảnh dân số nước này già đi nhanh chóng.

Tuổi thọ trung bình người Nhật Bản hiện nay là 87,45 đối với nữ giới và 81,41 đối với nam giới. Đây đều là những con số cao kỷ lục theo thống kê được công bố hồi tháng 7/2020.

Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,6. Trong đó, nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi.

Theo kết quả các cuộc tổng điều tra kinh tế cho thấy, tuổi thọ Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi, điều đó cho thấy thành tựu chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội đã góp phần tăng tuổi thọ trung bình người dân.

Tuy tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh là 11 năm và nam giới là khoảng 8 năm.

viet-nam-tuoi-tho-tang-nhung-so-nam-song-khoe-manh-thap-hon-so-voi-nhieu-nuoc-voh.com.vn-anh1
Hội thảo Khoa học Quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ với chủ đề “Sức khỏe tuổi thọ trong nền văn minh nhân loại ngày nay”.

Việt Nam đang đối diện với thách thức là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên có khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Trong tổng số gần 12 triệu người cao tuổi hiện nay, còn bộ phận không nhỏ gặp khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già.

Một bộ phận người cao tuổi vẫn mưu sinh kiếm sống, số khác chưa được chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm, sống cô đơn, không nơi nương tựa, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ nhà nước, gia đình và cộng đồng.

Sống thọ nhờ hệ siêu miễn dịch

Phân tích về tuổi thọ con người, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Triết học Phát triển cho biết, một nghiên cứu về AND của người trường thọ sống trên 110 tuổi đã tiết lộ bí mật, để sống trường thọ cần có hệ siêu miễn dịch với các tế bào bạch cầu, có khả năng chống lại ung thư và nhiễm trùng một cách độc đáo.

Kết quả đã phát hiện sự khác biệt nằm ở một loại tế bào gọi là TCD4 có nhiều ở người trên 100 tuổi. Thật kỳ lạ là chính những tế bào này ở những người trường thọ đã giúp họ sống lâu. Tế bào TCD4 có thể tấn công trực tiếp virut và các tế bào ung thư trong khi ở người bình thường không có khả năng này.

Bình luận