Tiêu điểm: Nhân Humanity

Doanh nghiệp du lịch tìm giải pháp tình thế chờ phục hồi

(VOH) - Dù một số đường bay quốc tế đã mở trở lại nhưng các doanh nghiệp du lịch trong nước vẫn ‘dè chừng’ vì hoạt động lữ hành quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Bắt đầu từ 18/9, Chính phủ cho phép mở lại một số đường bay thương mại từ Việt Nam đi 6 sân bay quốc tế trong khu vực Châu Á bao gồm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào và Campuchia.

Đi liền với đó, Chính phủ cũng cho phép thực hiện các chuyến bay đưa hành khách là các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại. Thông tin này mở ra những cơ hội và những tín hiệu lạc quan đối với việc kết nối giao thương.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch trong nước lại đón nhận một cách ‘dè chừng’ vì trên thực tế, việc mở cửa đường bay quốc tế nhưng ở nhiều nước, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, do vậy việc khôi phục hoạt động lữ hành quốc tế xem ra còn nhiều khó khăn.

cách ly
Đón khách vào cách ly tại một khách sạn ở TPHCM

Một hành khách đi trên chuyến máy bay mang số hiệu VN 310 từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) ngày 19/9 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airline chia sẻ: “Chúng em đợi từ tháng 4 nhưng tới tháng 9 mới bay được. Chúng em cảm thấy vui khi sân bay mở cửa trở lại để tụi em được sang Nhật Bản tiếp tục làm việc. Cũng mong muốn là tình hình dịch sẽ bình ổn, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước khác nữa. Làm sao các nước phải dập dịch trong năm nay để tất cả mọi người có thể yên tâm đi lại, công tác và làm việc”.

Chuyến máy bay mang số hiệu VN 310 từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) ngày 19/9 là chuyến bay đầu tiên được thực hiện sau hơn nửa năm bị tạm dừng do những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Chuyến bay này cũng chính thức đánh dấu việc mở cửa trở lại các chuyến bay thương mại quốc tế ở Việt Nam sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dù số lượng các chuyến bay vẫn còn rất hạn chế.

Để thực hiện được chuyến bay này, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Truyền thông, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho biết, công tác chuẩn bị cho hành khách lên chuyến bay một cách an toàn nhất đã được hãng chuẩn bị đầy đủ. Hành khách cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của nhà chức trách Nhật Bản khi nhập cảnh như: có kết quả xét nghiệm PCR âm tích với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khởi hành, khai báo lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày tại ứng dụng xác nhận tiếp xúc.

Ông Tuấn, cho biết thêm: “Đối với chúng tôi, các tổ bay, máy bay hay các điều kiện kỹ thuật cũng như các chính sách thương mại cũng được chuẩn bị sẵn sàng để ngay lập tức khi Chính phủ nước ta cũng như các nước cho phép hoặc đồng ý cho khai thác bay thì chúng tôi sẽ bay lại được ngay. Để hoàn thành chuyến bay, yếu tố chuẩn bị an toàn sức khỏe cho hành khách, cán bộ công nhân viên cũng như cộng đồng là một yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi có một sự chuẩn bị rất chu đáo đối với công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách”.

Các chuyên gia nhìn nhận, việc mở lại những đường bay quốc tế lúc này không chỉ đáp ứng mong đợi của rất nhiều hành khách mà còn lại nhịp cầu kết nối giao thương rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Đây cũng là điều thiết yếu cần phải thực hiện trong trạng thái bình thường mới nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế”. Song, đối với việc đón khách quốc tế vào Việt Nam, muốn làm được như vậy, chúng ta phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm nhằm sàng lọc và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập Covid-19.

đo thân nhiệt
Đo thân nhiệt cho khách tại khách sạn - TPHCM

Theo quy định về điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại: phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay; được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định. Ngoài ra, sẽ xem xét rút ngắn thời gian cách ly (xuống còn 5 ngày) cho các đối tượng nêu trên sau khi có kết quả RT-PCR hai lần âm tính...

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trước mắt chưa nói đến chuyện đón khách du lịch inboud mà chủ yếu là tập trung đón dòng khách chuyên gia, nhà đầu tư từ nước ngoài vào. Đây là giải pháp tình thế để duy trì hoạt động du lịch.

Ước tính, trong tháng 9 và tháng 10, Việt Nam sẽ đón khoảng 20.000 khách dạng này nhập cảnh vào Việt Nam. Bà Khánh cho hay, một số doanh nghiệp du lịch ở TPHCM đã có đủ điều kiện theo yêu cầu để đón dòng khách này.

Bà Khánh chia sẻ: “Hiện nay, các doanh nghiệp đã đăng ký xong. Danh sách đã có hết và được Sở Y tế, Sở Du lịch chọn. Các đơn vị này có đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho khách về phòng chống dịch, được tập huấn cách thức xử lý ở từng tình huống cụ thể. Yêu cầu đặt ra có thể nói là rất nghiêm ngặt và các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện.

Số lượng các chuyên gia, nhà đầu tư người nước ngoài vô TPHCM hiện cũng được phân công cho các đơn vị du lịch, tùy vào khả năng cung ứng dịch vụ của mỗi đơn vị trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu đặt ra để phục vụ đối tượng khách này. Chính vì vậy, Việt Nam phải cẩn trọng trong việc đón và phòng chống dịch, trong 5 ngày phải test 2 lần và có khai báo y tế đầy đủ”.

Đại diện Sở Du lịch TPHCM cho hay, đơn vị này đã tổng hợp được danh sách 18 cơ sở lưu trú du lịch gồm các khách sạn ở phân khúc từ 2-5 sao làm điểm cách ly có thu phí cho người nước ngoài vào làm việc. Các cơ sở lưu trú du lịch này gồm 1 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao và 3 khách sạn 2 sao, với tổng số phòng khoảng 1.400 phòng.

Mức giá mỗi ngày lưu trú mà du khách phải trả tùy theo chất lượng dịch vụ của mỗi đơn vị. Tại Cần Giờ, ông Nguyễn Thái Duy, Giám đốc Khách sạn Tân Thái Dương cho hay, với kinh nghiệm đón khách cách ly trong đợt 1, đợt này, tâm thế của nhân viên tại đơn vị đã sẵn sàng đón những những hành khách mới về cách ly.

“Chúng tôi đã được Sở Y tế, Sở Du lịch vận động đón khách cách lý từ nước ngoài về trong đợt đầu tiên ở Cần Giờ. Các đơn vị này đã tập huấn và kiểm tra đầy đủ điều kiện về phòng ốc và an toàn thì mới được làm khu cách ly. Về giá cả thì cũng như biểu giá trong đợt 1 chứ không phải tự ý nâng lên khi khách đông và giảm xuống khi khách vắng. Chúng tôi phục vụ với giá 1.450.000 đồng bao gồm tất cả các chi phí, dịch vụ ăn uống. Ngoại trừ xe đưa đón sẽ tính riêng” - ông Nguyễn Thái Duy cho biết thêm.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, đối với hành khách bay thương mại, đặc biệt là nhà đầu tư, nhà quản lý nước ngoài thường đòi hỏi phải được biết tất cả thông tin trước khi lên máy bay như: Chính phủ Việt Nam yêu cầu gì khi nhập cảnh và ở Việt Nam phải chấp hành các quy định gì, phải trả thêm chi phí gì cho quản lý kiểm dịch. Đặc biệt là các giá dịch vụ liên quan tới y tế, khách sạn lưu trú, đi lại cũng cần phải minh bạch để hành khách chọn lựa....

Ông Phước Khanh, đại diện một khách sạn 5 sao liên doanh với nước ngoài ở đường Cộng Hòa, quận Bình Tân cho hay: để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị đối tác, Khách sạn đã tính toán và công bố giá cả cụ thể để hành khách chọn lựa: “Toàn khách sạn có 310 phòng. Giá phòng dao động từ 1,9 - 3,5 triệu/người/ngày. Để được đón khách về cách ly, chúng tôi được các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố xuống tập huấn về cách nhận biết bệnh, triệu chứng, cách phòng ngừa, mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn, vệ sinh hằng ngày như thế nào…

Nói chung, chúng tôi được tập huấn để nhận thức được sự an toàn khi đón khách cách ly. Chúng tôi cũng nói chuyện với khách trước, hướng dẫn họ về quy định cách ly vì thời gian 14 ngày ở đây, chắc chắn du khách cũng bức bí. Nói để họ hiểu việc này là nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng để cùng hợp tác thực hiện tốt”.

Dù chưa có nhiều kỳ vọng về việc phục hồi lại mảng du lịch quốc tế, song các doanh nghiệp trong ngành vẫn đánh giá cao động thái mở cửa bầu trời của Chính phủ. Trước mắt, đây vẫn là tín hiệu tích cực cho hoạt động du lịch dù rằng vẫn rất thận trọng.

Hơn ai hết, các doanh nghiệp lữ hành cũng biết rằng, trong điều kiện tình hình dịch trong nước đã khống chế nhưng ở các nước vẫn còn hết sức phức tạp thì tâm lí du khách cũng còn e dè và thận trọng. Thế nên, trong khi chờ đợi nối lại các hoạt động du lịch quốc tế thì hơn hết phải tập trung vào mảng du lịch nội địa và linh động trong một số dịch vụ tình thế để duy trì hoạt động và giữ chân nhân viên.

Xem thêm:

Bình luận