Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gỡ rào cản chính sách để mở cửa du lịch quốc tế

(VOH) - Du lịch quốc tế 2 năm qua bị ‘đóng băng’. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế rất mong chờ vào các chính sách nhập cảnh thông thoáng để kết nối lại các hoạt động xúc tiến du lịch.

Trước mắt, các địa phương đều xác định du lịch nội địa là hoạt động trọng tâm, là chủ lực song du lịch quốc tế mới góp phần đem lại nguồn thu cao nhất.

Ông Đỗ Thái, đại diện khách sạn thuộc Tập đoàn CEO Group ở Phú Quốc cho hay, là 1 trong 5 địa phương được triển khai thí điểm đón khách quốc tế ở Việt Nam, nhưng so với Maldives hay gần hơn là Thái Lan, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam rất ít, nếu không nói là khiêm tốn.

Một resort 5 sao ở Phú Quốc vắng bóng khách quốc tế 2 năm qua 
Một resort 5 sao ở Phú Quốc vắng bóng khách quốc tế 2 năm qua 

Theo ông Thái, lí do khách quan là dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên tâm lý du khách vẫn e ngại trong khi đó, điều kiện và yếu tố chủ quan, đặc biệt là các chính sách nhập cảnh mà nước ta áp dụng còn quá khắt khe và thiếu tính chắc chắn, phản ứng của các chính sách còn khá chậm chạp.

Ông Thái so sánh, ở Maldives sau khi dịch bùng phát hồi đầu năm, chính phủ nước đã đóng cửa và chỉ mất 3 tháng để chuẩn bị hoàn tất mọi thứ. Thậm chí, không cần tiêm 100% vắc xin nhưng họ vẫn mở cửa và kết quả là chỉ mất 3-6 tháng sau đó, hoạt động du lịch quốc tế ở đây đã phục hồi bằng 60% so với trước dịch.

Ngay như Thái Lan, quốc gia lân cận trong khu vực, chỉ trong vòng từ 3 - 4 tháng sau khi mở cửa hoạt động du lịch quốc tế (bắt đầu từ 7/2021), đến tháng 11/2021, lượng khách quốc tế đến với Thái Lan đã đạt con số 130.000 lượt.

“Nếu so sánh tương đương thì Phú Quốc có thể chưa phải là điểm đến hot như Phuket của Thái Lan nhưng ít ra cũng phải đón được vài ngàn khách, nhưng thực tế đâu có được như vậy. Khó khăn hiện nay chính là rào cản về chính sách nhập cảnh vẫn rất khắt khe. Khi có rủi ro phát sinh thì cũng không thể nào xử lý được.

Những rào cản này cần phải thay đổi để thu hút du khách quốc tế trong thời gian tới. Thậm chí phải thay đổi chính sách, học theo cách làm từ Thái Lan, Maldives… nếu chúng ta xác định mở cửa. Mở cửa để đón khách chứ không phải nửa đóng nửa mở hoặc đưa ra nhiều rào cản để đối tác và du khách đều không dám đến.”, ông Thái nói.

Ông Bùi Áng Văn, Tổng quản lý Kim Hoa Resort, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho hay, nguồn khách và đối tác của công ty ông đến từ nhiều nước như Nga, Đức, Thụy Điển… kể cả khách du lịch nội địa, nhưng tất cả đều bối rối vì sự thiếu nhất quán từ các chính sách đưa ra. Sự bất ổn ấy đều xuất phát từ chữ “tạm” trong các chương trình triển khai khiến cho du khách cảm thấy phập phù và đắn đo khi quyết định tới Việt Nam du lịch.

Theo ông Văn, hiện nay, nhân viên của ông đang nghỉ việc luân phiên và họ muốn được đi làm đều trở lại nhưng công suất phòng còn rất thấp, chỉ đạt từ 3-5%, mở ra thì tiền đâu để trả cho nhân viên nếu đi làm đầy đủ. Đó là chưa tính phát sinh thêm nhiều khoản chi phí để phun, khử khuẩn và phòng chống dịch.

Chính sách chúng ta đưa ra đều là tạm trong khi các doanh nghiệp đưa khách quốc tế nghe chữ “tạm” đều thấy không an tâm. Nhiều đối tác đã chuẩn bị xong xuôi mọi việc, chờ ngày tới Việt Nam nhưng chính sách đột ngột thay đổi khiến họ không kịp trở tay. Do vậy, làm thế nào đó không nên dùng từ “tạm” nữa.

Nên chăng, phải có một chiến lược dài hơi từ Trung ương tới địa phương, cho thí điểm áp dụng từ nay đến hết tháng 4, sau đó, tùy tình hình và biên độ biến động của dịch nhiều hay ít để có thể thay đổi cho phù hợp. Cứ như bây giờ các đối tác lớn sẽ rút hết. Nếu được, nên đưa ra những chính sách nhất quán”, ông Văn khẳng định.

Ông Trương Anh Ngọc, đại diện một cơ sở lưu trú lớn ở Phú Quốc cũng chia sẻ, khi có thông tin địa phương được đón khách du lịch quốc tế, đơn vị này làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm điểm đón khách quốc tế. Để duy trì hoạt động lúc này, mỗi tháng đơn vị phải bỏ ra 5 tỷ đồng để trả cho các chi phí như điện, nước, lương nhân viên và công tác phòng chống dịch nhưng bù lại đến nay công suất hơn 1.500 phòng tiêu chuẩn 5 sao vẫn thấp.

Để được phê duyệt như thế thì chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều, phát sinh thêm nhiều chi phí… Tất cả chỉ mong kế hoạch kinh doanh khi mở cửa sẽ có khách, miễn làm sao giúp chúng tôi hòa vốn thôi cũng được. Nhưng, đến giờ phút này không có một đoàn khách nào gõ cửa nhà chúng tôi, mặc dù Phòng kinh doanh của chúng tôi có thâm niên 6,7 năm nay. Tới nay, chỉ có một đoàn khách 204 người Hàn Quốc bay đến Vinpearl. Cũng không biết là chuyến đó mình bỏ tiền mời họ đến hay là họ tự bỏ tiền đến”, ông Ngọc bộc bạch.

Ở 5 địa phương đã triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ quý 4/2021 như Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ninh đều ghi nhận số khách đi theo chương trình này đạt thấp, chưa tương xứng với nỗ lực mà các công ty đã bỏ ra.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Quốc gia nhận định, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế được chuẩn bị và triển khai rầm rộ trong gần nửa năm nhưng kết quả thực tế rất khiêm tốn. Bên cạnh các chính sách thiếu tính nhất quán, phập phù thì các tour trọn gói khép kín mà ngành du lịch triển khai cũng làm giảm sức hút của điểm đến Việt Nam trong thời buổi hiện nay:

“Nếu cứ làm thí điểm kiểu này là sẽ tự làm khó và không có du khách. Du khách cũng không muốn đi với đoàn đông mà chỉ muốn đi theo nhóm bạn bè, gia đình và đi theo chương trình riêng chứ cứ đi cùng nhau, ăn uống cùng nhau, vui chơi cùng nhau thì chẳng ai thích trong bối cảnh Covid-19 như thế này. Giờ đây, người ta tránh những nơi có nguy cơ lây nhiễm mà chúng ta lại gom khách lại theo hành trình định sẵn thì không kiếm ra khách được”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam thẳng thắn. 

Các cơ sở lưu trú chuyển sang đón khách nội địa để tồn tại qua dịch
Các cơ sở lưu trú chuyển sang đón khách nội địa để tồn tại qua dịch

Cũng theo ông Lương Hoài Nam, rào cản và thách thức lớn nhất trong việc phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam hiện nay nằm ở các chính sách, bao gồm: chính sách mở cửa, chính sách visa, chính sách về hàng không…Dẫn chứng tại Dubai, theo ông Nam, hiện nay chính sách rất thông thoáng khi không cần hộ chiếu vắcxin mà chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính.

“Tại sao Dubai lại có cách tiếp cận vấn đề mở như thế? Tại vì họ nhắm đến thị trường Nga - thị trường có tỷ lệ người tiêm vắc xin ít, chỉ mới 30% người dân Nga tiêm vắc xin, do đó nếu yêu cầu điều kiện đủ 2 liều thì số đông người Nga sẽ không đến được. Với Việt Nam, quan điểm của tôi là phải tiêm 2 mũi vắc xin đối với người lớn, trẻ con đi cùng phải xét nghiệm PCR như nhiều nước đã áp dụng tại Singapore, Thái Lan, Maldives .. Chúng ta chỉ cần nhắm vào các thị trường đã tiêm vắc xin cao thì cũng ổn. Điều cần nhất là các chính sách phải mạch lạc, dễ thực hiện. Sẽ là thách thức nếu không có sự xoay chuyển đáng kể về tư duy, nhận thức và cách làm.” Ông Lương Hoài Nam nói.

Sau đường bay Việt Nam - Campuchia được khôi phục ngày 1/1/2022 vừa qua, trên cơ sở đồng ý của Chính phủ, Bộ GTVT và cấp phép bay của Cục Hàng không, ít ngày tới, hàng loạt đường bay quốc tế thường lệ khác cũng được nối lại, các hãng đã bắt đầu mở bán vé thương mại cho khách có nhu cầu. Chính sách nhập cảnh thông thoáng, cởi mở, rõ ràng và nhất quán một khi được triển khai sẽ là tín hiệu tích cực để khôi phục hoạt động du lịch quốc tế, trước mắt là đối với lượng khách tiềm năng trong số khoảng 4 - 5 triệu kiều bào muốn về nước trong dịp Tết nguyên đán năm nay. Ngoài ra còn có dòng khách trú đông rất lớn mỗi năm từ thị trường Tây Âu, Nga, Trung Quốc... Tiềm năng phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách như năm 2019 khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều, nhưng trước mắt, có thể giúp nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước vượt qua cơn bĩ cực như trong năm vừa rồi.

Bình luận