Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Nhà hát VOH" - giấc mơ của những người làm nghệ thuật

(VOH) - Nhà hát VOH chuẩn bị đi vào hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân thành phố, mà còn tạo sự hứng khởi cho giới nghệ sĩ luôn mong muốn được đứng trên sân khấu mang tính nghệ thuật thật sự.

Chiều 28/6, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã tổ chức buổi họp báo ra mắt Nhà hát VOH. Đây sẽ là nơi tổ chức những chương trình ca nhạc đặc sắc, các cuộc thi dành cho những người yêu nhạc, dòng nhạc trẻ, ca cổ cải lương và cả những chương trình âm nhạc nghệ thuật khác.

Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao, nhu cầu thưởng thức âm nhạc cũng như những chương trình nghệ thuật đặc sắc luôn đòi hỏi sự đổi mới không ngừng từ những người làm nghệ thuật.

Cách đây 20 năm, công chúng yêu nhạc không thể quên được giải thưởng âm nhạc Làn Sóng Xanh lần đầu tiên ra mắt đã tạo nên một cú hích cho dòng nhạc trẻ Việt Nam, từ đó đơm hoa nở rộ cho đến ngày hôm nay.

Nói đến Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH), công chúng nghĩ đến một sự chuẩn mực không chỉ ở nội dung chương trình, mà còn là chất lượng của âm thanh. Ca nhạc từ sân khấu nhà hát của Đài phát thanh cũng là chuẩn mực, góp phần vào sự định hướng thẩm mỹ của công chúng.

Toàn cảnh sân khấu Nhá hát VOH. Ảnh: Khiêm Huân

Giấc mơ đã thành hiện thực

Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian 20 năm qua, khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập, sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, cùng với các phòng thu, nhà hát, sân khấu cũng như các giải thưởng âm nhạc khác luôn không ngừng đổi mới và thu hút lượng lớn khán thính giả hướng về. Sự thụt lùi nhường lại phía sau của phát thanh là một điều phải được nhìn nhận khách quan.

Thế nhưng, vị trí và vai trò của âm thanh, âm nhạc trong đời sống là một phần không thể thiếu được. Nhiều nghệ sĩ và những người làm công tác truyền thông đã phải thừa nhận: Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM vốn bản thân đã là một lịch sử. Cùng với vai trò định hướng thẩm mỹ của công chúng, một nhà hát đi kèm để hỗ trợ cho sứ mệnh thiêng liêng ấy là điều tất yếu.

Trăn trở về một Nhà hát VOH, về một sân chơi, một "thánh đường âm nhạc" dành cho nghệ sĩ và cho tất cả những người có niềm đam mê với âm nhạc, nhạc sĩ Đức Thịnh và Ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) đã đưa giấc mơ ấy thành hiện thực.

Nhà hát VOH ra đời và chuẩn bị đi vào hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân thành phố, mà còn tạo sự hứng khởi cho giới nghệ sĩ luôn mong muốn được đứng trên sân khấu mang tính nghệ thuật thật sự.

“Nhà hát VOH, giấc mơ của những người làm nghệ thuật”. Ảnh: Khiêm Huân

Không gian âm nhạc chuẩn mực

Nói về sự ra đời của Nhà hát VOH, ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM bày tỏ: “Việc định hướng hình thành Nhà hát VOH được đặt ra từ nhiều năm, với mong muốn tạo dựng một không gian âm nhạc chuẩn mực, quy tụ nghệ sĩ đến biểu diễn tại đài, kết nối ánh đèn nghệ thuật Nhà hát với làn sóng VOH nhằm lan tỏa rộng khắp những giá trị nghệ thuật mang tính định hướng thẩm mỹ âm nhạc trong công chúng.

Nhà hát VOH ra đời cũng nhằm mục đích chuẩn hóa, nâng cao hơn nữa hình thức và nội dung tổ chức các buổi biểu diễn cải lương, đờn ca tài tử sao cho hấp dẫn hơn, thu hút công chúng mộ điệu cải lương, một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ”.

Nhạc sĩ Đức Thịnh - Giám đốc Music One, người thổi hồn cho Nhà hát VOH chia sẻ: “Nhà hát VOH là một giấc mơ đã tìm được nơi chốn đáng tin cậy để nhạc sĩ thả hồn nghệ thuật bay bổng trong một không gian âm nhạc chuyên nghiệp của Đài VOH, với mong muốn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật “đàng hoàng”, khác biệt, độc đáo tại Việt Nam”.

Hiện thực hóa giấc mơ của mình thông qua Nhà hát VOH, nhạc sĩ Đức Thịnh hy vọng đây sẽ là nơi ươm mầm cho những tài năng nghệ thuật.

Sau phần trình diễn tại buổi họp báo ra mắt Nhà hát VOH, nữ ca sĩ Đồng Lan phấn khởi chia sẻ cảm xúc: “Lan thật sự thấy hạnh phúc khi trình diễn trên một sân khấu như thế. Các điều kiện vật chất rất tốt, âm thanh ánh sáng và cả yếu tố tinh thần nữa, mọi người ở đây đều cùng một lòng để tạo nên một âm nhạc tử tế cống hiến cho khán giả. Đó là một điều tuyệt vời mà Lan nghĩ rằng bản thân Lan phải ngay lập tức đồng ý và cổ vũ. Lan cũng mong rằng mọi người dành chút thời gian nhỏ của mình để lắng nghe, thấu hiểu và ủng hộ”.

Không gian ngoài Nhà hát VOH trưng bày các nhạc cụ đặc trưng của các nước. Ảnh: Khiêm Huân

Niềm tự hào và hạnh phúc

Là người đã có nhiều kỷ niệm với Đài ngay từ những buổi đầu bước chân vào con đường ca hát, ca sĩ Hồng Hạnh cho biết, chị rất xúc động, vì cách đây khoảng chừng 20 năm, chị đã từng được hát trên sân khấu này của Đài. Thời điểm đó, ca sĩ chỉ mong được một lần vào đài phát thanh biểu diễn trên sân khấu của đài và trong các chương trình được phát đi từ làn sóng phát thanh, đó là niềm tự hào và hạnh phúc của người nghệ sĩ.

“Cách đây hai mươi mấy năm, khi được mời đến đây thì mình mừng lắm. Vì hát mà không thấy mặt, chỉ nghe tiếng mà đem lòng nhớ thương, khi mình hát hay thì người ta mới mời mình hát trên radio. Thế nhưng sau đó là một thời gian yên ắng. Bây giờ, mình rất vui vì sân khấu đã hoạt động trở lại. Anh em nghệ sĩ sau một thời gian làm nền cho sân khấu nhạc playback thì buồn lắm. Giờ đây, các anh em nghệ sĩ đều mong muốn là được hát live”, ca sĩ Hồng Hạnh chia sẻ.

Vị trí của sân khấu phát thanh đã từng một thời in dấu trong lòng nhiều thế hệ. Và nay, sự ra đời của Nhà hát VOH không chỉ tạo đủ không gian Acoustic cho nghệ thuật biểu diễn dàn nhạc cổ điển chuyên nghiệp với nhiều loại nhạc cụ nhất có thể, mà âm thanh nhà hát còn được “đo ni đóng giày” cho mọi vị trí chỗ ngồi, đều có thể thưởng thức âm nhạc đến tuyệt mỹ. Nhà hát được trang bị hệ thống thu âm Multitracks có thể edit hậu kỳ ngay tại phòng thu, hệ thống ánh sáng và màn hình Led hiện đại, có thể đáp ứng các nhu cầu của đạo diễn và thu hình trực tiếp.

Với nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của công chúng, khu vực trước sảnh nhà hát được thiết kế nghệ thuật để chào đón khách trước buổi diễn, phục vụ tiệc trà, tiệc nhẹ. Khách đến nhà hát cũng có thể chụp hình lưu niệm với không gian trưng bày các nhạc cụ qua nhiều thời kỳ.

Có thể nói, Nhà hát VOH là một sự hiện thực hóa ước mơ của những người nghệ sĩ chân chính được cháy hết mình trên sân khấu, nơi tiếng hát của ca sĩ thăng hoa cùng với ban nhạc biểu diễn các nhạc cụ truyền thống lẫn hiện đại. Cùng với tầm nhìn và chiến lược của những người đầy tâm huyết, sân khấu của nhà hát VOH không chỉ phục vụ cho gần 300 ghế ngồi, mà còn kết nối thông qua phát thanh, truyền hình và mạng Internet để đưa các chương trình nghệ thuật của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) vươn xa khắp mọi nơi.

Bình luận