Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bạo lực học đường – thực trạng nhức nhối!

(VOH) - Trong những ngày qua dư luận xôn xao về video clip 1 học sinh nữ lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 nữ sinh cùng lớp lột đồ và đánh hội đồng với những hình ảnh rất phản cảm.

Clip được lan truyền trên mạng với tốc độ chia sẻ nhanh chóng. Đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục xảy ra sự việc đau lòng này mà đã có quá nhiều vụ việc liên tục tái diễn thời gian qua. Câu hỏi đặt ra là nạn bạo lực học đường, đặc biệt đối với lứa tuổi vị thành niên được ngành giáo dục giải quyết ra sao và đến khi nào tình trạng này chấm dứt?

Bạo lực học đường

Học sinh nữ lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 nữ sinh cùng lớp lột đồ và đánh hội đồng lúc được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên. Ảnh: VNE

Do đâu gia tăng bạo lực học đường?

Mới đây, tại trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, 1 học sinh nữ đã bị một nhóm bạn nữ cùng lớp bạo hành, sự việc khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Rất nhiều ý kiến được đưa ra từ các chuyên gia cũng như những người có liên quan để giải quyết vấn nạn này. Câu hỏi luôn là nỗi niềm trăn trở là vì sao ngày càng có nhiều vụ quá đau lòng xảy ra trong ngành giáo dục như vậy. Khi xã hội phát triển với một phông văn hóa mở thì có lẽ, môi trường giáo dục với những chuẩn mực của sự đối xử thầy trò, rồi giữa trò với nhau có lẽ ít nhiều đã bị mai một, không còn được như trước.

Sinh viên Nguyễn Uyên Vy, trường Đại học Bình Dương cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này: "Đau đớn, nhức nhối xảy ra ngay tại môi trường giáo dục. Nguyên nhân chính là do các bạn học sinh bị mạng xã hội cám dỗ bằng những video clip, game mang tính bạo lực và những hiện tượng mạng như Khá Bảnh là những người trong băng đảng xã hội có những video clip lại trở thành thần tượng cho các giới trẻ".

Cùng quan điểm này, sinh viên Lê Kim Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP nghĩ rằng, yếu tố giáo dục trong gia đình là một phần không thể thiếu. Khi xã hội phát triển nhanh, các bật phụ huynh thường giành phần lớn thời gian cho công việc mà ít quan tâm đên con của mình, phần lớn các bậc phụ huynh đều có chung quan điểm cho rằng việc giáo dục nên giao toàn bộ cho nhà trường, đây là một quan điểm sai lầm. 

"Sau khi xem xong đoạn clip tôi khá bức xúc, sự việc xảy ra có thể khiến cho bạn nữ bị bạo hành bị ảnh hưởng đến tâm lý trong tương lai. Ngoài ra, theo tôi, nguyên nhân thứ nhất khiến bạo lực học đường ngày một gia tăng là do xuất phát từ cách giáo dục từ gia đình, cha mẹ lo làm ăn mà không quan tâm đến con trẻ, nguyên nhân thứ hai là do nhà trường chưa quản lý giáo dục tốt học sinh của mình", Kim Anh nói.

Lứa tuổi thanh thiếu niên, vị thành niên bắt đầu có những thay đổi lớn. Đây cũng là giai đoạn nảy sinh nhiều rối nhiễu tâm lý nhất so với các lứa tuổi khác. Ở giai đoạn này, các bạn trẻ thường muốn thể hiện mình, tìm tòi và khẳng định cái tôi cá nhân. Dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi, em Trương Công Định, Trường THPT Hùng Vương cho biết suy nghĩ của mình: "Những bạn ấy còn trẻ, nhưng điều em muốn nói đó là về mặt gia đình, em thấy gia đình cần quan tâm đến các bạn, không nên hời hợt trong giáo dục con cái để gây ra sự việc đáng tiếc như vậy".

Lỏng lẻo trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Sự việc xảy ra, chúng ta phải nhìn lại và đánh giá toàn diện về sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục con trẻ. Anh Phạm Thành Tâm – một phụ huynh cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến kết quả học hành mà xem nhẹ việc con mình nghĩ gì cần gì xử sự như thế nào với bạn bè, và dường như giáo viên chỉ chú tâm những chuyện trong giờ học, về kết quả học tập của các em hơn là trở thành một người bạn hiểu được “tâm tư tình cảm” của trò mình. 

"Khi xem clip thấy rất phản cảm và căm phẫn thái dộ của nhà trường đã để cho em học sinh nữ kia xảy ra tình trạng đó. Cô giáo chủ nhiệm biết sự việc đó nhưng không có hành động giúp đỡ em học sinh bị bạo hành, cô đã không giáo dục các em mà còn giúp các em che giấu đi tội của mình", anh Tâm bức xúc.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng này, sinh viên Lê Thị Phương, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hiến kế: "Mình nghĩ gia đình và nhà trường phải có sự phối hợp chặt chẽ để chung tay giáo dục cũng như quản lý học sinh của mình để không còn những tình trạng đáng tiếc".

Trở lại vấn đề bạo lực học đường ngoài các hành vi thô bạo, phản cảm giữa học sinh với nhau, riêng với các hành vi xử phạt của thầy cô với học sinh, anh Phạm Thành Tâm nêu quan điểm của mình: "Học sinh bây giờ rất hiếu động, được tiếp xúc nhiều luồng thông tin khác nhau trên mạng xã hội, thì mình là một nhà giáo thì nên tập trung hướng dẫn, chỉ bảo các em hơn là đánh. Tuổi các bạn còn trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì, nếu như đánh các em thì có thể dẫn tới phản tác dụng. Nhà trường và giáo viên nên hướng dẫn cho các em biết điều nào là điều xấu, điều nào là điều tốt. Bởi vì nếu đánh các em thì các em chỉ khóc ngay lúc đó thôi, còn về lâu dài thì không khả quan".

Gia đình là tế bào của xã hội, là chiếc nôi giáo dục cho các em. Do vậy, trong mọi chuyện, có lẽ mấu chốt vấn đề phụ huynh nên nhìn lại cách nuôi dạy con của mình, phải quan tâm các em nhiều hơn vì nếu không lưu tâm, con trẻ sẽ gắn chặt đời sống sinh hoạt của mình với ipad, với mạng xã hội và việc tiêm nhiễm lúc nào các em cũng không ý thức được. Bên cạnh nền tảng từ gia đình thì sự đồng hành với vai trò của thầy cô là rất lớn trong định hướng giáo dục cho học sinh. Nếu bạo lực học đường cử tái diễn, có lẽ hình ảnh của ngành giáo dục ít nhiều sẽ phai mờ.

Bình luận