Anh Phạm Văn Núi sinh ra và lớn lên tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM), thay vì chọn con đường kỹ sư và ở lại làm việc tại TP, anh quyết định về quê lập nghiệp để đóng góp cho quê hương.
Tuy nhiên, khi trở về quê hương, anh không làm công việc chuyên môn, mà lại theo đuổi một lĩnh vực hoàn toàn khác, đó là giáo dục mầm non.
Chia sẻ về cơ duyên đến với lĩnh vực giáo dục mầm non, anh Núi cho biết, trong suốt những năm ngồi ghế giảng đường, anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục trẻ mầm non, vì thực tế ở quê hương anh, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, trong khi thế hệ mầm non lại rất quan trọng cho tương lai.
Anh luôn đau đáu nghĩ về trẻ em quê nhà, những đứa trẻ “đen nhẻm”, chưa từng được trải nghiệm cách sinh hoạt, vui chơi của môi trường giáo dục mầm non hiện đại. Thậm chí với những trẻ nhỏ không may mắc hội chứng tự kỷ thì càng không có nơi để học tập, giúp đỡ hòa nhập.
Đây cũng là mơ ước mà một người bạn thân của anh ở quê mong muốn thực hiện, nhưng không may, tai nạn giao thông đã cướp đi người bạn này. Anh quyết định bắt tay khởi nghiệp, thực hiện nguyện vọng của bản thân và người bạn tri kỷ quá cố.
Hệ thống trường mầm non Hoa Hướng Dương ra đời trên tâm huyết và sự cố gắng nhiều năm của anh Phạm Văn Núi.
Anh tham khảo từ các hệ thống trường mầm non hiện đại tại TPHCM, tìm hiểu và học tập thực tế, rồi bắt tay xây dựng cơ sở đầu tiên tại xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Ngôi trường đầu tiên được xây với khuôn viên rộng rãi, tiêu chí xanh hóa, hệ thống phòng học lấy sáng tự nhiên và có nhiều không gian vận động cho trẻ.
Anh chủ động đầu tư nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại và các mô hình vui chơi bổ ích cho trẻ, đồ chơi trí tuệ, nhằm giúp thế hệ mầm non địa phương có môi trường học tập tương xứng với trẻ thành thị.
Ban đầu, không tuyển được giáo viên, thậm chí anh không nhận được sự giúp sức nào vì mô hình trường mầm non hiện đại dường như vẫn còn xa lạ với một vùng quê xa xôi, nơi còn nhiều xã nghèo, và nhiều phụ huynh chỉ miệt mài với nỗi lo miếng cơm manh áo hàng ngày.
Theo thời gian, mô hình trường mầm non do anh khởi xướng dần lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, hiện đại, những mô hình học tập vui chơi hấp dẫn, nên anh đã hoàn thành việc chiêu mộ giáo viên.
Hệ thống trường mầm non Hoa Hướng Dương luôn đặt tiêu chí giáo dục cho trẻ mầm non tinh thần yêu nước, hướng về cội nguồn bằng những hoạt động trải nghiệm thực tế.
Các em nhỏ được tham gia các trò chơi vận động trong vai những người lính bộ đội cụ Hồ, từ trang phục cho đến chinh phục các thử thách của những trò chơi, hoặc ráp bản đồ Việt Nam bằng các loại hạt giống, rau củ tại địa phương, tham gia các vở kịch với nội dung về các truyền thuyết dân tộc.
Thông qua sự trải nghiệm thường xuyên này, tinh thần yêu nước và gìn giữ hòa bình sẽ được nảy nở trong tâm trí các em từ sớm.
Để giáo viên có động lực gắn bó với việc dạy học tại quê nhà, anh Phạm Văn Núi luôn cố gắng hỗ trợ và giúp đỡ về nhiều mặt, nhất là với những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, chưa có chỗ an cư ổn định.
Không những vậy, anh còn tạo điều kiện và khuyến khích các giáo viên trẻ học lái xe, nhằm chủ động trong việc đưa đón các em nhỏ ở xa đi học. Anh còn tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận các khóa học nâng cao nghiệp vụ sư phạm, chế tạo đồ chơi thủ công và tái chế rác thải.
Chính tấm lòng nhân ái của anh đã khiến cho đội ngũ giáo viên trường không ngại khó khăn và tiếp tục bám trụ.
Anh Phạm Văn Núi đang nỗ lực hợp tác nhiều đơn vị, tìm kiếm nguồn giáo viên có thể dạy học và giúp đỡ cho trẻ nhỏ bị tự kỷ. Do mô hình dạy học cho trẻ tự kỷ còn mới ở một vùng xa, nên chặng đường sắp tới anh cho biết sẽ còn nhiều gian nan.
Giờ đây, mỗi khi nhìn các em nhỏ thỏa sức vui chơi, học tập trải nghệm trong khuôn viên khang trang, không kém cạnh gì những ngôi trường hiện đại nơi phố thị, anh Núi cảm thấy ấm áp trong lòng.
Anh vững tin đây chính là con đường đúng nhất mà mình đã chọn, vì xây dựng một thế hệ trẻ thơ ở quê nhà vững mạnh thì tương lai thế hệ này sẽ là nguồn lực mạnh mẽ, đóng góp không chỉ cho quê hương xứ dừa mà còn cho đất nước.