Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chương trình sữa học đường mang tính nhân văn

(VOH) – Quận Thủ Đức cần nghiên cứu để tăng lượng trẻ em tham gia chương trình sữa học đường.

Thông tin được đưa ra tại buổi khảo sát về tình hình triển khai thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường trên địa bàn Quận Thủ Đức do Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP chủ trì diễn ra vào sáng 18/6.

Quận Thủ Đức hiện có gần 9.000 trẻ tiểu học thuộc đối tượng của Đề án Sữa học đường. Số trẻ tiểu học đang tham gia đăng ký uống sữa trên 5.000 trẻ, đạt tỷ lệ trên 56%. 

Với bậc mầm non, Quận có khoảng 7.121/22.692 trẻ tham gia uống sữa học đường, chỉ đạt trên 31%. Đặc biệt, với các trường mầm non ngoài công lập hiện mới triển khai chương trình tại 23/107 trường trong khi mục tiêu Đề án sẽ có 80% trẻ trong độ tuổi được uống sữa học đường.

Một nguyên nhân dẫn đến số trẻ tham gia chương trình còn thấp là do sữa chỉ có một vị nên không hấp dẫn trẻ, nhiều trẻ bị ngán không chịu uống sữa học đường.

Dù được hỗ trợ 50% nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện về kinh tế để tham gia. Đặc biệt, địa bàn Quận Thủ Đức có gần 60% dân số là lao động nhập cư. Chương trình sữa học đường cung cấp miễn phí cho trẻ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố nhưng những trẻ thuộc hộ nghèo và cận nghèo từ các tỉnh về sinh sống trên địa bàn chưa được hưởng quyền lợi này.

Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP cho rằng, Đề án sữa học đường mang tính nhân văn sâu sắc. Việc triển khai chủ trương này cần liên tục thường xuyên, chứ không chỉ chốt đăng ký ở thời điểm bắt đầu. Vì vậy các trường cần thường xuyên tuyên truyền giúp phụ huynh nhận thấy những lợi ích và tiếp tục cập nhật số lượng đăng ký tham gia.

Ông Tăng Hữu Phong khẳng định, đối tượng trẻ em nghèo, cận nghèo mới thực sự là đối tượng rất cần uống sữa: "Chương trình rất  nhân văn nhưng vì chuyện hộ khẩu thủ tục, lại để các em các cháu, đối tượng rất cần thụ hưởng ở ngoài danh sách. Trước mắt đề xuất với Quận, nếu số lượng không quá nhiều, trong phạm vi có thể đảm đương được, Quận có thể chỉ đạo các đoàn thể, đơn vị liên quan, doanh nghiệp trên địa bàn chia sẻ được hay không, trước khi Thành phố có chủ trương đầy đủ cho việc này."

Tại buổi khảo sát, các đại biểu cũng kiến nghị tiếp tục triển khai Đề án Sữa học đường. Ngoà ra, việc thống kê tỷ lệ trẻ tham gia chương trình, cần tính cả số trẻ không uống sữa trong chương trình nhưng vẫn được cha mẹ cho sử dụng những loại sữa khác.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ bớt tính “đánh đố”?: Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức theo Luật Giáo dục năm 2019 đòi hỏi bớt tính “đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hoá và độ tin cậy để tuyển sinh đại ...

 

Bình luận