Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia khu vực phía Nam: có 13 giải nhất

(VOH) - Sáng 19/3, Lễ bế mạc Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Nam đã diễn ra tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM.

Sau 4 ngày làm việc, cuộc thi đã lựa chọn và trao 13 giải Nhất, 25 giải Nhì, 35 giải Ba và 49 giải Tư từ hơn 200 dự án của 34 đơn vị từ các tỉnh thành. Trong đó, đơn vị TPHCM đạt 1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 7 giải Ba. Các dự án đạt giải nhất đã tham gia phần thi bằng tiếng Anh để chọn đội tuyển dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế, Intel ISEF năm 2019 tại Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của ban tổ chức cuộc thi năm nay, hàm lượng khoa học trong nhiều dự án đã được nâng lên. Nhiều đề tài có sự đầu tư đáng kể cả về hình thức và nội dung. Qua cuộc thi, các học sinh thể hiện kỹ năng và sự hiểu biết về lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như năng lực tiếng Anh khá tốt.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, phía Nam

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, trao bằng khen cho các dự án đạt giải Nhất, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia, Khu vực phía Nam

Đặc biệt công tác tổ chức có nhiều cải tiến, với đội ngũ ban giám khảo được lựa chọn là các nhà khoa học ở các trường đại học có uy tín từ phía Bắc vào khu vực phía Nam để chấm thi và ngược lại. Quá đó, kỳ thi đã được tổ chức khách quan công bằng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Hữu Độ, yêu cầu: "Với mục đích của cuộc thi là nhằm khơi dậy và khuyến khích các em học sinh nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho các em vận dụng kiến thức và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, cuộc thi đã tác động tích cực cho đến đổi mới việc dạy và học theo hướng tiếp cận năng lực, rút ngắn, kéo gần khoảng cách giữa đại học và phổ thông, giúp chúng ta trong việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đề nghị tất cả các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ tại các đơn vị để khơi dậy cho các em lòng đam mê khoa học và triển khai thành công việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông".

Bình luận