Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đảm bảo an toàn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp

(VOH) - Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội thảo về nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong trường học năm 2021 và bảo đảm an toàn trường học khi học sinh, sinh viên quay trở lại học trực tiếp.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình cụ thể của dịch bệnh Covid-19 để lựa chọn hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên phù hợp với từng cấp học.

dam-bao-an-toan-khi-hoc-sinh-quay-tro-lai-hoc-truc-tiep-voh.com.vn-anh1
Cần đảm bảo an toàn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp tại trường. (Ảnh minh họa)

Các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo kế hoạch đã ban hành.

Đồng thời, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, giúp các em tránh xa hiểm họa ma túy. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng các phương án, quy trình xử lý những sự cố phát sinh khi học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp. Trong đó, ngành Giáo dục cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tại địa phương nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trường học.

Tăng cường giáo dục thể chất và thể thao trường học

Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”.

Sau 10 năm thực hiện, đến nay, theo thống kê, đối với cấp học mầm non và phổ thông đã có 100% các cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai thực hiện nội dung, mục tiêu phát triển thể chất cho trẻ em theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục mầm non; 100% các trường tiểu học, Trung học cơ sở; Trung học phổ thông tiến hành giảng dạy môn Giáo dục thể chất với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình. Hàng năm, các trường tiểu học, Trung học cơ sở; Trung học phổ thông đều triển khai đánh giá thể lực học sinh theo đúng quy định.

Đối với khối các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm, ước tính có khoảng 80% các trường đai học, sư phạm thể dục thể thao, cao đẳng sư phạm tổ chức kiểm tra, đánh giá thể lực sinh viên hàng năm theo quy định. Tất cả các trường đã bổ sung nội dung chương trình môn học Giáo dục thể chất phù hợp với từng đối tượng; 100% giảng viên Giáo dục thể chất thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ thao giảng kết hợp với kiểm tra đánh giá đã đảm bảo được tính khoa học, khách quan và đúng với năng lực của người học.

Cần chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền thông trong ngành giáo dục

Lưu ý về công tác truyền thông tại Hội nghị trực tuyến công tác văn phòng và truyền thông khối các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021, diễn ra ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh các đơn vị cần chuyên nghiệp hoá và thông suốt cho hoạt động truyền thông, nhằm định hướng dư luận tốt hơn và tạo niềm tin cho xã hội về giáo dục đào tạo.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, từng đơn vị trong ngành Giáo dục cần chú trọng đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa trước việc truyền thông nội bộ. Bởi lẽ, không ai có thể hiểu và nói đúng, nói tốt hơn về trường, về ngành, bằng chính những người đang trực tiếp hoạt động trong đơn vị đó. Các cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh sinh viên, chính là những “sứ giả” truyền thông tinh nhuệ và hùng hậu nhất để lan tỏa tới cộng đồng. Sức mạnh của truyền thông là sự kết nối.

Vì thế, Thứ trưởng đề nghị bộ phận truyền thông của Bộ với đơn vị liên quan và giữa các đơn vị trực thuộc, cần gắn kết hơn nữa, tạo thành mạng lưới thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ truyền thông của ngành.

Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề: “Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số”

Chiều 5/11, Trường Đại học Tài chính – Marketing phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số”.

Với mục tiêu phân tích đánh giá các công nghệ hiện nay đang có trên thị trường và sẽ có trên thị trường trong nước và quốc tế, giải pháp nào để các tổ chức cá nhân khai thác các công nghệ đó để phục vụ quá trình kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao với nguồn lực có hạn của các tổ chức cá nhân.

Diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chuyên gia đã thảo luận các vấn đề về Công nghệ và phát triển triển công nghệ, vấn đề phát triển kinh tế và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Đáng chú ý, việc kinh doanh các lĩnh vực trong thời đại số hóa cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Hội thảo cũng đặt ra những vấn đề liên quan đến vai trò quản lý của Nhà nước, nguồn nhân lực cho kinh doanh khi chuyển đổi số, đặc biệt là xu hướng phát triển giáo dục đại học khi kinh doanh trên nền tảng công nghệ số.

Bình luận