Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đáp ứng đủ các điều kiện theo Quy chế, trường đại học có thể tuyển sinh riêng

(VOH) - Sáng 8/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến về tuyển sinh năm 2020, cùng thảo luận một số thay đổi trong Quy chế Tuyển sinh 2020 mà Bộ vừa mới ban hành.

Đồng thời, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để có một mùa tuyển sinh thành công, đạt chất lượng.

Theo Quy chế tuyển sinh 2020 vừa công bố, về cơ bản phương án tuyển sinh 2020 vẫn giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh, tạo sự yên tâm cho học sinh. Một trong những vấn đề băn khoăn của các trường đại học, đó là việc sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông 2020 để xét tuyển sao cho hiệu quả, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đề xuất, để việc xét tuyển từ kết quả thi Trung học phổ thông tốt hơn, đề thi tốt nghiệp cần có sự phân hóa sâu hơn nữa: “Giả sử thí sinh từ 5,5 điểm - 6 điểm cũng có thể tốt nghiệp, thì trong thang điểm từ 6 – 10 điểm nên có những câu hỏi phân hóa để các trường đại học có thể chọn được một khung, bậc rõ ràng hơn trong xét tuyển. Một điểm nữa, trong công tác lọc ảo, năm ngoái Bộ đã hỗ trợ các trường tốt, tôi mong năm nay Bộ hỗ trợ tốt hơn, nhanh hơn nữa”.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân nêu ý kiến: “Một ý kiến đề xuất của trường là mong Bộ tiếp tục tổng hợp các kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông các tỉnh, thành và công bố phổ điểm ở các môn thi, đó là cơ sở để các trường đưa ra mức sàn xét tuyển cho phù hợp. Bởi vì, khi để địa phương tổ chức kỳ thi, nếu để từng địa phương công bố phổ điểm này thì việc xét tuyển cũng như việc đưa ra mức điểm xét tuyển của các trường sẽ không có tính ổn định”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2020, sáng 8/5

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2020, sáng 8/5. Ảnh: SGGP

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, năm 2020 có thể nói là năm bản lề chuẩn bị cho giai đoạn 2021 – 2025, định hướng tự chủ của đại học với lộ trình ngày càng rõ nét, các trường được phát huy thế mạnh, tiềm năng, tiềm lực, uy tín thương hiệu của mình trong giai đoạn mới: “Chúng tôi nhấn mạnh vào quy trình, việc đảm bảo chất lượng của toàn bộ quá trình đào tạo, nhấn mạnh vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, tuân thủ chuẩn chương trình đào tạo. Chuẩn chương trình đào tạo theo từng trình độ của giáo dục đại học, theo nhóm ngành cụ thể, thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam. Chúng tôi sẽ ban hành những công cụ quản lý nhà nước, để các trường có thể dùng chuẩn này để kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo của mình”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi năm ngoái, Bộ đã đưa hơn 50 nghìn cán bộ giảng viên về địa phương, năm nay giao cho địa phương, Bộ vẫn có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ kỳ thi, các trường đại học cũng phải có trách nhiệm, xắn tay vào cùng với thanh tra, kiểm tra để vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Còn trong vấn đề tự chủ của các trường đại học, nhất là việc tổ chức tuyển sinh riêng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý: “Với tuyển sinh riêng, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng không phải muốn làm gì thì làm mà phải theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường. Khi nói đến kỳ thi là phải có chuẩn của nó, có bộ phận chuyên trách, có ngân hàng câu hỏi, có quy chế thi, có điều kiện trong đó có nhân lực, phải tổ chức công khai minh bạch, giám sát thanh kiểm tra để đảo bảo cho kỳ thi minh bạch”.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngay cả những nước như Mỹ để có được một Trung tâm khảo thí độc lập cũng phải mất vài chục năm, chúng ta cũng tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình dần, phải từng bước. Còn việc phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của các trường đại học, Bộ rất khuyến khích.

Tại Quy chế tuyển sinh 2020, có bổ sung quy định điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng. Cụ thể, Quy chế quy định trường đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện.  

Các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hoặc hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi, phải tuân thủ các yêu cầu bảo đảm chất lượng sau:

a) Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh (sau đây gọi chung là bộ phận chuyên trách).

b) Đảm bảo về cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.

c) Xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp cho tuyển sinh đại học; công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi ít nhất là 15 ngày. Nội dung các câu hỏi thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc đại học của thí sinh, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông.

d) Đảm bảo ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận của trường đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; có giải pháp đảm bảo sự tương đương của các đề thi và phải thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi.

đ) Đã ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan đến các nội dung: công tác chuẩn bị cho kỳ thi; tổ chức đăng ký dự thi; công tác đề thi và quy trình bảo mật đề thi; công tác coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, chấm thẩm định; chế độ báo cáo và lưu trữ; xử lý các sự cố bất thường, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Quy chế thi tuyển sinh của trường do hiệu trưởng ký ban hành, không được trái với các quy định tại Quy chế này và phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời gửi báo cáo về Bộ GDĐT ít nhất trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi.

e) Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi, phù hợp với quy mô và hình thức tổ chức thi.

g) Có Đề án tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh của trường, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin và minh chứng về việc đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng để tổ chức kỳ thi. Đề án tổ chức thi tuyển sinh phải được công khai trên trang thông tin điện tử của trường trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi, đồng thời gửi về Bộ GDĐT để báo cáo. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kỳ thi.

Bình luận