Đề xuất miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học các ngành khoa học cơ bản

TPHCM - Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản (KHCB) tại ĐHQG-HCM đang được các chuyên gia lấy ý kiến.

Ngày 1/4, hơn 60 nhà khoa học, chuyên gia giáo dục của ĐHQG-HCM đã tham gia tọa đàm, góp ý cho Chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại ĐHQG-HCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045”.

Mục tiêu của Chương trình là đưa nghiên cứu KHCB trở thành nền tảng phát triển kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia, ươm mầm nhân tài khoa học, là tiền đề cho các phát minh và làm chủ công nghệ chiến lược, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam.

Đến năm 2030, các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học môi trường, Kinh tế, Quản lý, Ngôn ngữ thuộc top 100-150 thế giới; Các ngành Sinh học, Khoa học trái đất thuộc top 200-250 thế giới theo bảng xếp hạng QS.

tien-si-vu-hai-quan-020425
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: ĐHQG-HCM

Chương trình được thiết kế với cách tiếp cận đồng bộ, kết hợp giữa phát triển nhân tài, đầu tư đẩy mạnh tích hợp sâu nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo, với phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại.

Theo đó, ba trụ cột thực hiện Chương trình bao gồm: Thứ nhất, phát triển nhân tài khoa học lĩnh vực KHCB và khoa học liên ngành như miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học theo học các ngành KHCB; Thu hút và tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành đến làm việc tại ĐHQG-HCM;

Đổi mới chương trình đào tạo các ngành KHCB, gắn với các công nghệ chiến lược; Phát triển các môn học MOOC cho các lĩnh vực KHCB; Nâng cao năng lực giảng dạy các môn toán và khoa học (STEM) cho giảng viên đại học, giáo viên phổ thông; tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM cho học sinh, sinh viên.

Thứ hai, tích hợp nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, với đổi mới sáng tạo: Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất, khoa học biển gắn với các công nghệ chiến lược; Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực khoa học xã hội, bao gồm triết học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học, ngôn ngữ học, nhân học, khoa học chính trị, lịch sử, địa lý, luật, truyền thông;

Phát triển các trung tâm xuất sắc về các công nghệ chiến lược, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, chip – bán dẫn, công nghệ sinh học – y sinh, công nghệ hóa dược, công nghệ vật liệu, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo; Thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo;

Thứ ba, xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, đồng bộ với chuyển đổi số: Thành lập trung tâm dữ liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu KHCB; Thành lập 3 phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu về vật lý, hóa học, sinh học; Thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu liên ngành.

Thảo luận tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên, các nhà khoa học đều nhất trí với Chương trình. Các nhà khoa học cho rằng đây là cơ hội để ĐHQG-HCM thúc đẩy phát triển các ngành nghiên cứu KHCB.

Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến các nội dung như phát triển nhân tài KHCB cần chú ý hơn đến đội ngũ ngoài các ngành KHCB; cần bổ sung nâng cao năng lực đào tạo sau đại học tương đương với các nước tiên tiến khu vực và thế giới; xã hội hóa và thu hút từ nguồn lực của doanh nghiệp khi triển khai nghiên cứu KHCB; chấp nhận rủi ro và đầu tư dài hạn cho các ngành KHCB để tạo các sản phẩm tầm cỡ; đào tạo KHCB phải gắn liền nhu cầu xã hội để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên…

Bình luận