Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đừng để trẻ chết đuối tại nhà

(VOH) - Không ít trường hợp trẻ bị ngã vào thau nước và chết đuối tại nhà. Tai nạn đau lòng này hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Với bề mặt trơn trượt và cứng, phòng tắm, sàn nước là một trong những nơi nguy hiểm nhất trong nhà. Tuy nhiên, đa phần trẻ em đều thích nghịch nước và người lớn chỉ lơ đễnh một chút thôi, trẻ có thể gặp các tai nạn như ngạt nước, trượt té hay phỏng nước nóng…

Do đó, các bậc cha mẹ hãy nhớ một số quy tắc dưới đây để đảm bảo an toàn cho trẻ và tránh các tai nạn bất đắc dĩ!

Chỉ 5cm nước cũng có thể khiến trẻ chết ngạt

Khi chơi, trẻ có thể bị té vào chậu/bồn nước tắm đột ngột và chết đuối trong thời gian ngắn ngay cả khi nước trong chậu/bồn chỉ khoảng 5cm. 

Trong tình huống này, trẻ có thể không ho-sặc, nước không bắn tung tóe và cha mẹ thậm chí không thể nhận ra rằng con mình đang gặp nguy hiểm.

Để đề phòng trẻ đuối nước, cha mẹ hãy:

- Không bao giờ để trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ em dưới 6 tuổi ở gần chậu/bồn nước tắm mà thiếu sự giám sát của người lớn.

Cha mẹ không nên để trẻ trong phòng tắm hoặc khu vực trữ nước một mình (Ảnh: KH)

- Không bao giờ để anh chị của trẻ giám sát trẻ trong bồn tắm, chậu tắm vì những đứa trẻ thường không có kỹ năng phản ứng nhanh với tình huống khẩn cấp.

- Nếu đang tắm cho trẻ mà có chuông cửa, điện thoại, hãy quấn con vào khăn và bế trẻ theo khi bạn đi mở cửa hoặc trả lời điện thoại.

- Không bao giờ trữ nước trong bồn tắm, trong xô chậu khi không sử dụng.

- Đậy nắp bồn cầu vì nếu trẻ nhỏ chơi có thể mất thăng bằng và té vào trong.

- Chốt cửa phòng tắm, đảm bảo trẻ không thể vào  khi không có người lớn.

- Khóa cửa phòng tắm phải mở được từ bên ngoài, để bạn có thể xử lý được trong trường hợp trẻ nghịch nước và khóa bên trong.

Phòng tránh bỏng nước tắm

Nhiệt độ nước tắm an toàn cho trẻ là từ 37 - 38°C, đối với trẻ sơ sinh là khoảng 36°C. Trẻ nhỏ có làn da nhạy cảm, nếu nước tắm quá nóng trẻ sẽ bị bỏng rất nhanh.

Để đề phòng trẻ bỏng nước tắm, cha mẹ hãy:

- Khi pha nước tắm, luôn xả nước lạnh trước và thêm nước nóng cho đến khi đạt nhiệt độ phù hợp. Việc xả nước nóng trước sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị bỏng khi chúng vội vàng lao vào chậu/bồn nước.

- Kiểm tra nhiệt độ nước bằng cổ tay và khuỷu tay trước khi trẻ tắm. Nếu da bạn bị rát khi đặt khuỷu tay vào thì nước quá nóng cho làn da của trẻ.

- Nên chuẩn bị một chiếc nhiệt kế nước đặc biệt để đo nhiệt độ nước tắm cho trẻ.

- Khi trẻ đủ lớn để vặn các vòi nước, hãy dạy bé bắt đầu mở nước lạnh trước khi mở vòi nóng.

Phòng tránh trơn trượt

Chấn thương có thể dễ dàng xảy ra nếu trẻ nhỏ trượt khi ngồi, đứng trong bồn tắm, hoặc trèo ra khỏi bồn cầu. Cha mẹ hãy:

- Khuyến khích trẻ ngồi yên trong khi tắm hay khi đi vệ sinh.

- Nhắc trẻ không nô đùa trong phòng tắm.

- Hãy đặt những tấm thảm hoặc những đôi dép chống trượt trong nhà tắm.

- Hãy lắp những thanh vịn trong nhà tắm để trẻ có thể bám vào và giữ thăng bằng khi ngồi hoặc bước đi trong phòng tắm.

- Giữ tất cả loại thuốc, mỹ phẩm, kem đánh răng, xà bông trong một tủ hoặc kệ trên cao. Tránh trường hợp trẻ nghịch đổ ra sàn gây trơn trượt.

Các đồ điện như máy sấy, dao cạo râu đặt trong phòng tắm cũng có thể gây ra những nguy hiểm đối với trẻ

Ngoài những nguy cơ trên, trẻ còn có thể gặp tai nạn từ thiết bị điện như máy sấy tóc hay dao cạo trong phòng tắm. Vì vậy, cha mẹ hãy rút phích cắm các thiết bị điện và cất các vật dụng sắc nhọn, thuốc, hóa chất trong tủ an toàn khi không sử dụng.

Bình luận