Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế trong vòng 2 tháng

(VOH) - Nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) vừa chế tạo thành công hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế và có thể phục vụ sản xuất đại trà.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc - Trưởng Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) cho biết, khoa đã chế tạo thành công hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế và có thể phục vụ sản xuất đại trà.

Từ đầu tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 tại TPHCM chưa phức tạp như hiện nay, khoa Cơ khí đã họp khẩn các giảng viên chủ chốt để triển khai dự án thiết kế và chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế cho cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ: “Chúng tôi tự ví đây như một nhiệm vụ cấp thiết bởi quy mô sản xuất phải đảm bảo sao cho tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí nhất có thể. Đặc biệt là trước trình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, thậm chí một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ sản phẩm này”.

máy sản xuất khẩu trang

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) và TS Nguyễn Thanh Hải (phải) bên máy tạo thân khẩu trang y tế.

Các giảng viên chuyên ngành về thiết kế, chế tạo và hàn siêu âm của trường Đại học Bách khoa đã phân tích và đưa ra hàng loạt phương án sản xuất khẩu trang. Cuối cùng, phương án được khoa lựa chọn là thiết kế máy tự động tạo thân khẩu trang y tế (phần xếp ly hình chữ nhật) và hàn quai siêu âm đơn điểm.

Khẩu trang y tế cơ bản được tạo thành bởi các lớp vải không dệt và lớp vải lọc kháng khuẩn. Vải không dệt và vải lọc kháng khuẩn đều làm từ nhựa có thành phần chính là polypropylene với công nghệ khác nhau. Do đó, để hàn được các lớp vải này với nhau, công nghệ hàn siêu âm là lựa chọn phù hợp.

máy sản xuất khẩu trang

Một công đoạn sản xuất khẩu trang (Ảnh: Sinh viên Bách Khoa)

Năng suất một máy tự động tạo thân có thể đạt tối đa 90 cái/phút và năng suất máy hàn quai siêu âm đơn điểm chỉ đạt 15 cái/phút. Do đó, để đảm bảo năng suất đồng bộ, một máy tạo thân sẽ đi kèm với sáu máy hàn quai siêu âm.

Trong thiết kế này, khẩu trang y tế từ 3 đến 5 lớp đều có thể tạo ra được tùy vào số cuộn vải đưa vào. Một trong các lớp vải này là lớp vải lọc hay còn gọi là vải kháng khuẩn. Ưu điểm vượt trội của thiết kế này chính là chỉ sử dụng một hệ siêu âm, so với các thiết kế trước đây phải sử dụng đến hai hệ siêu âm tần số 20kHz.

Trong thời gian rất ngắn, các giảng viên Khoa Cơ Khí đã triển khai xuất sắc dự án và hoàn thiện đúng kế hoạch. Thiết kế này không chỉ tối ưu về chi phí, mà quan trọng hơn là đem lại sản phẩm tiêu chuẩn y tế chất lượng cho người dùng.

Hiện hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế đã chạy thử nghiệm thành công và khoa sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp để sản xuất đại trà.

Hệ hàn siêu âm tần số 20kHz và công nghệ hàn siêu âm được nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ Khí chế tạo thành công từ năm 2018. Đây là kết quả từ 2 đề tài “Nghiên cứu chế tạo khuôn hàn siêu âm ứng dụng hàn vải không dệt” (2015) và “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị hàn siêu âm ứng dụng hàn các chi tiết nhựa nhiệt dẻo” (2016) do nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thanh Hải thực hiện, trường ĐH Bách Khoa và ĐHQG-HCM cấp kinh phí.

Hai trường đại học thông báo dời lịch học đến đầu tháng 5 - 2 trường Đại học trên địa bàn TPHCM có thông báo dời lịch học đến đầu tháng 5.

Thành lập HĐTĐ nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm - Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình luận