Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giáo dục kỹ năng sống trong trường học mới dừng ở nhận thức

(VOH) - Việc giáo dục kỹ năng sống hiện phần lớn chỉ dừng ở nhận thức chứ chưa chuyển hóa thành kỹ năng cần thiết.

Thông tin này được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị định hướng công tác giáo dục kỹ năng sống trong trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào sáng 12/6.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Đại học Sư Phạm TPHCM, học sinh hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như áp lực học tập, lúng túng khi ứng xử với bạn bè, ảnh hưởng từ các vấn đề trong mối quan hệ hôn nhân của cha mẹ, khả năng bị bắt nạt qua mạng xã hội... Thống kê trong học sinh cho thấy, hơn 13% có dấu hiệu trầm cảm, 13% có rối loạn lo âu, hơn 15% có vấn đề rối loạn cảm xúc...

Giáo dục kỹ năng sống trong trường học mới dừng ở nhận thức

Hội nghị Định hướng công tác giáo dục kỹ năng sống trong trường học.

Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, Đại học Sài Gòn, mọi người đều có thể gặp phải những áp lực từ cuộc sống. Ranh giới giữa những áp lực tiêu cực và tích cực được xác định dựa vào việc con người có kiểm soát được chúng hay không. Học sinh cần học được các kỹ năng để kiểm soát và vượt qua được những áp lực khó khăn trong cuộc sống. Đây một quá trình lâu dài và nhất quán, hướng đến 3 mục tiêu gồm nhận thức, thái độ và kỹ năng, chứ không thể gói gọn trong vài tiết học.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao cho rằng hiện nay, việc dạy kỹ năng sống tại các cơ sở phần lớn chỉ tác động vào nhận thức mà chưa dẫn đến hình thành thái độ và kỹ năng. "Để đưa các kỹ năng trở thành của chính học sinh thì hình thức tổ chức là quan trọng. Hình thức tổ chức sẽ phụ thuộc vào trình độ của người tổ chức. Vì vậy, giáo viên muốn dạy kỹ năng sống thì trước hết mình phải có các kỹ năng", Tiến sĩ Quỳnh Giao cho biết.

 

Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được triển khai chính thức tại các trường trên địa bàn TPHCM từ năm học 2017-2018. Mặc dù ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn một số tồn tại như: hình thức tổ chức chưa phù hợp, nhiều đơn vị còn lúng túng trong xác định nội dung, tính liên thông trong giáo dục kỹ năng sống giữa các cấp học còn hạn chế. Chủ yếu tập trung nhiều ở cấp mầm non, tiểu học nhưng lại giảm dần ở các cấp học lớn hơn như trung học cơ sở, trung học phổ thông, lứa tuổi chuẩn bị bước vào đời. 

Ông Nguyễn Minh, Trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu trong năm học 2018-2019, các đơn vị cần tập trung phát triển 5 kỹ năng cho học sinh gồm: kỹ năng tự phục vụ; kỹ năng thoát hiểm; đối diện ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống; điều chỉnh quản lý cảm xúc và kỹ năng tự nhận thức tự đánh giá bản thân.

"Hoạt động giáo dục kỹ năng sống trước hết phải tạo sự hứng thú yêu thích cho học sinh. Sở khuyến khích các đơn vị hướng đến tăng cường khả năng vận động, khả năng tương tác của học sinh. Thời lượng các em ngồi tại lớp rất nhiều, nếu tổ chức các hoạt động kỹ năng cũng theo hình thức ngồi tại lớp trao đổi những lý thuyết mà chưa đào sâu vào trang bị kỹ năng thực hành cho các em học sinh thì chưa tạo được sự hứng thú và chưa đạt yêu cầu", ông Minh nói.

Giáo dục kỹ năng sống trong trường học mới dừng ở nhận thức

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định giáo dục kỹ năng sống là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết 29.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, giáo dục kỹ năng sống là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Trong năm học mới, các trường 2 buổi phải duy trì nội dung giáo dục kỹ năng ở buổi học thứ 2, đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

"Hình thành kỹ năng sống cho học sinh với những hành vi các em phải thực hiện thường xuyên. Trong các kỳ họp phụ huynh học sinh lãnh đạo nhà trường phải có định hướng cụ thể trong vấn đề giáo dục học sinh", bà Thu Đề nghị.

Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Thị Diễm Thu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết hiện Sở GD-ĐT đã cấp phép cho 70 đơn vị đủ điều kiện thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Bình luận