Tiêu điểm: Nhân Humanity

"Internet và mạng xã hội là công cụ để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường"

VOH - Internet và mạng xã hội phát triển tiềm ẩn nguy cơ bạo lực học đường, nhưng cũng là công cụ để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

Nội dung này được phản ánh trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VOH với Tiến sĩ Tâm lý - Giáo dục Lê Nguyên Phương, cựu chuyên gia Tâm lý Học đường của học khu Long Beach - cựu giảng viên tại Đại học Chapman, California, Hoa Kỳ.

"Internet và mạng xã hội là công cụ để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường" 1
Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Lê Nguyên Phương - Ảnh: Tuyết Nhung

*VOH: Thưa ông, nguyên nhân của bạo lực học đường là từ đâu?

Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Lê Nguyên Phương: Do sự thiếu nhận thức xuất phát từ phong tuc và văn hóa. Nhiều người nghĩ rằng đây là điều bình thường, không thể tránh được trong môi trường học đường, thậm chí là một biến cố bình thường của tiến trình trưởng thành của con trẻ.

Một số yếu tố văn hóa ở Việt Nam có thể góp phần vào hành vi bắt nạt, như việc tập trung vào cạnh tranh và thành tích, cấu trúc xã hội có thứ bậc, hoặc sự thiếu chú trọng đến sự đồng cảm và tôn trọng người khác. 

Sự bỏ bê hay bạo hành của cha mẹ đối với con trẻ cũng là yếu tố nguy cơ cho cả trẻ bạo hành và bị bạo hành. Một số trẻ em tìm kiếm quyền lực và sự kiểm soát thông qua việc bắt nạt người khác; ngược lại một số trẻ lại mất phương hướng và thiếu kiến thức để bảo vệ mình.

Một số trẻ bắt nạt có thể có các vấn đề về sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như lòng tự trọng thấp, lo lắng hoặc trầm cảm, có thể dẫn đến hành vi hung hăng hoặc thù địch với người khác. Đây có thể vừa là nguyên nhân và chắc chắn sẽ là hậu quả của vấn đề bắt nạt.

Quan trọng nhất trong bối cảnh Việt Nam, đó là việc thiếu các biện pháp xử lý thích đáng với kẻ bạo hành. Một số trường hợp, những trẻ bắt nạt trong nhà trường Việt Nam có thể không phải đối mặt với những hậu quả thích đáng cho hành vi của mình, vì nhiều lý do, trong đó có cả quy trình xử lý và nỗi lo “khủng hoảng truyền thông” hay mất danh hiệu tiên tiến thi đua...

*VOH: Sự phát triển của internet và công nghệ có là yếu tố tiếp tay cho bạo lực học đường?

Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Lê Nguyên Phương: Việc sử dụng internet và nền tảng truyền thông xã hội ở Việt Nam có thể vừa là yếu tố nguy cơ, là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bắt nạt học đường, nhưng nó đồng thời cũng là công cụ để giảm thiểu nạn bắt nạt học đường. 

Một mặt, việc sử dụng mạng xã hội có thể tạo nền tảng cho bắt nạt trên mạng, có thể liên quan đến nhiều hành vi có hại như lan truyền tin đồn, chia sẻ ảnh hoặc video làm nhục trẻ, hoặc gửi tin nhắn đe dọa.

Bản chất của mạng xã hội có thể tạo ra cảm giác tách biệt sai lầm [false detachment], vì trẻ bắt nạt không trực tiếp nhìn thấy sự khổ đau biểu hiện ở trẻ bị bắt nạt. Việc này khiến kẻ bắt nạt dễ dàng trở thành vô cảm, làm hại người khác nhiều và sâu hơn mà không hiểu hết các hậu quả của hành động của chúng.

Ngược lại internet và phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể tạo điều kiện phổ biến nhận thức về bắt nạt và cung cấp những hỗ trợ cho các nạn nhân. Nền tảng truyền thông xã hội sẽ trở thành công cụ để học sinh vạch trần tình trạng bắt nạt đang diễn ra trong trường học, tố cáo những tệ nạn này với công chúng, buộc các trường phải hành động và ngăn chặn các vụ bắt nạt tiếp theo.

Những khía cạnh tích cực này chỉ khi chúng ta bảo đảm rằng học sinh được giáo dục về việc sử dụng có trách nhiệm phương tiện truyền thông xã hội.

*VOH: Giải pháp để hạn chế vấn nạn bạo lực học đường sẽ là gì?

Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Lê Nguyên Phương: Phòng ngừa là cách hiệu quả nhất để giảm bắt nạt ở trường, đặc biệt là các chương trình thúc đẩy các hành vi tích cực, sự đồng cảm, và lòng tử tế của mọi thành viên trong nhà trường.

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bắt nạt ở trường học khi cung cấp thông tin cho học sinh, phụ huynh và giáo viên về tác động của bắt nạt và cách ngăn chặn, song song với thông tin về các kỹ năng giao tiếp xã hội và điều hòa cảm xúc.

Điều quan trọng là các trường học phải có các chính sách và thủ tục rõ ràng để giải quyết hành vi bắt nạt và phải áp dụng một cách nhất quán và nghiêm minh. Có nghĩa là công bằng trong việc áp dụng "luật".  

Việc phòng chống không thể thực hiện chỉ trong khuôn viên nhà trường. Việc hợp tác giữa nhà trường, phụ huynh và các tổ chức cộng đồng là rất quan trọng, đặc biệt trong phát triển các chương trình phòng ngừa và cung cấp các nguồn hỗ trợ toàn cộng đồng.

Nhà trường lẫn cộng đồng có thể cung cấp hỗ trợ tâm lý cho những học sinh từng bị bắt nạt, giáo dục và chuyển hướng hành vi cho trẻ bắt nạt, và điều chỉnh thái độ của những trẻ bàng quan.

Trường học có thể sử dụng công nghệ để giám sát phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để phát hiện hành vi bắt nạt. Chẳng hạn, lắp các camera để có thể can thiệp kịp lúc.

Vấn đề là quyết tâm làm và thực hiện một cách khoa học cũng như có sự giám sát thực chất việc làm này hay không.

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận