Tiêu điểm: Nhân Humanity

Miễn học phí cho học sinh THCS toàn quốc từ năm học 2022-2023?

(VOH) - Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã kiến nghị miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS toàn quốc ngay từ năm học 2022-2023.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ GDĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024.

Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non chưa tự bảo đảm chi thường xuyên đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022; đối với cơ sở giáo dục mầm non tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.

Bộ GD-ĐT kiến nghị miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS từ năm học 2022-2023 1
Ảnh minh họa

Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022 thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. 

Từ năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.

Đối với hệ trung học cơ sở, Bộ GDĐT đề xuất miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022-2023. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 03 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Đối với hệ trung học phổ thông, đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 - 2022 đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.

Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022 Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí đối với trung học phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Đối với giáo dục đại học công lập, lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022-2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021-2022. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81). Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Hải Phòng là địa phương đầu tiên tiến hành miễn 100% học phí cho học sinh từ cấp mầm non đến THPT. Cụ thể, từ năm học 2020-2021, học sinh mầm non và THCS ở TP Hải Phòng được miễn 100% học phí. Riêng học sinh THPT miễn học phí từ năm học 2021-2022.
Bình luận