Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sinh viên Bách khoa biến cây dược liệu tự nhiên thành sản phẩm trà túi lọc an thần

(VOH) - Sau hơn ba năm nghiên cứu, sản phẩm trà túi lọc từ hạt của cây lục lạc lá ổi dài của nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đang từng bước được thương mại hóa.

Trà túi lọc từ hạt của cây lục lạc lá ổi dài (tên thương phẩm thường gọi là Trà Assamica) – là một dự án nghiên cứu của nhóm MED TECH – nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) thực hiện hơn ba năm qua.

Dự án này hiện đã lọt vào top 5 cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ 2021 và đang hoàn thiện sản phẩm để tranh tài ở Vòng Chung kết. Sản phẩm hiện đã được hai công ty đặt hàng chuyển giao công nghệ và nhóm sinh viên được sự hỗ trợ của các giảng viên, các phụ huynh cũng đã thí điểm trồng dược liệu phục vụ cho kế hoạch sản xuất của mình.

trà dược liệu
Trà thảo mộc Assamica

Nghiên cứu trà từ cây dược liệu mọc hoang

Lục lạc lá ổi dài là loại dược liệu họ đậu có tên khoa học là Crotalaria assamica Benth. Loại cây này có mặt ở một số nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Philippines. Ở nước ta, lục lạc lá ổi dài phân bố chủ yếu ở những vùng khí hậu ôn đới và cận ôn đới như: Tây Nguyên, Lâm Đồng, Lạng Sơn…; cây thường mọc tự nhiên trên các nương rẫy bỏ hoang, ven rừng rậm thường xanh, nơi ẩm và ven sông suối.

Cây lục lạc lá ổi dài chứa nhiều hoạt tính mạnh giúp an thần, giải tỏa lo âu, chống khuẩn và kháng oxy hóa…

Trưởng nhóm MED TECH - Nguyễn Long Hoàng - sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Công nghệ thực phẩm chia sẻ, trong một lần tham quan vùng dược liệu ở tỉnh Lâm Đồng, nhóm em nhận thấy cây Assamica được người dân địa phương nấu nước uống để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, họ chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian và số lượng tài liệu khoa học về tác dụng của loài cây này vô cùng ít ỏi. Do đó, em Hoàng và anh Tiến (một thành viên sáng lập nhóm) đã đưa ra một quyết định táo bạo, đó là nghiên cứu những tinh chất quý giá trong cây Assamica.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã bào chế thành công nhiều dạng sản phẩm, trong đó có cả thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thị trường, nhóm nhận thấy phân khúc khách hàng tiềm năng thuộc độ tuổi 28-45, là những người đặc biệt quan tâm tới hương vị, tính tiện lợi cũng như hiệu quả của sản phẩm. Đây chính là lý do nhóm chú trọng phát triển dòng trà thảo mộc.

Với tác dụng an thần và giải lo âu, trà thảo mộc Assamica sẽ giải quyết được tình trạng căng thẳng tinh thần đang trở nên ngày càng phổ biến - trong khi những dược phẩm và thực phẩm chức năng trên thị trường chưa thực sự hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến tác dụng phụ. 

Theo nhóm MED TECH, quy trình sản xuất trà thảo mộc Assamica được quản lý bằng công nghệ AI tiên tiến - giúp tối ưu chi phí, cũng như dễ dàng cải tiến từ quy trình có sẵn. Hiện nhóm đang cải thiện và tối ưu hóa công nghệ này. Thông qua các thử nghiệm ở các cấp độ khác nhau, sản phẩm cho thấy hiệu quả an thần rất tốt, không gây tác dụng phụ và cải thiện rõ rệt sức khỏe người sử dụng.

Sản phẩm có hệ thống tem NFC để không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc mà còn giúp người dùng hiểu rõ về cách sử dụng. Sản phẩm cũng đã và đang hoàn tất các thủ tục thẩm định chất lượng, đăng kí độc quyền sáng chế, thương hiệu cũng như giấy phép lưu hành.

trà
Trà thảo mộc Assamica có tác dụng an thần và giải lo âu

Xem thêm: Dùng thuốc an thần khi mất ngủ, nên hay không?

Bạn Võ Viết Tiến (sinh viên ngành Dược học, trường Đại học Tôn Đức Thắng) vốn là người Lâm Đồng cũng rất tâm đắc với dự án này. Tiến chia sẻ: "Chúng em rất vui khi nghiên cứu và tạo ra được một sản phẩm hữu ích cho mọi người, hơn hết - khi sản phẩm được thương mại hóa thì người dân quê em sẽ nhận thức rõ được tiềm năng của loại cây dược liệu tự nhiên này. Họ có thể tham gia vào trồng trọt, sản xuất để nâng cao thu nhập. Từ đó, một loại dược liệu quý made in Vietnam sẽ có tên trên bản đồ thế giới".

Chờ đón sản phẩm trà dược liệu ra thị trường

Để nghiên cứu ra được sản phẩm trà túi lọc từ hạt của cây lục lạc lá ổi dài, nhóm MED TECH đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó có cả những ảnh hưởng do dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ra.

Nguyễn Long Hoàng kể: "Khó khăn của nhóm thì rất nhiều, chẳng hạn như thiếu kinh phí, phải học hỏi thêm rất nhiều về khảo sát thị trường, xây dựng chiến lược, mô hình kinh doanh – do các thành viên toàn là “dân kỹ thuật”… Nhiều lúc nhóm cũng nản và tính bỏ cuộc nhưng rồi mọi người lại động viên nhau với câu hỏi “Vì sao bắt đầu dự án này?”, “Đích đến mà mình mong muốn là gì”, thế là tất cả lại tiếp tục…".

Được sự hướng dẫn và liên tục động viên của TS. Võ Thanh Hằng (Giảng viên Khoa Môi trường & Tài nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Xanh Bách khoa – BKGI) và PGS. TS. Nguyễn Đình Quân (Trưởng Phòng thí nghiệm Nhiên liệu sinh học & Biomass), nhóm đã từng bước hoàn thành các nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi” như hoàn thành các thủ tục, giấy tờ về kiểm định chất lượng sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ... 

Nhóm cũng đã kết nối thành công với nhiều mentor giàu kinh nghiệm như: thầy Phạm Tiến Minh (giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp), cô Nguyễn Phi Anh Đào (Giám đốc ngành hàng kinh doanh tiêu dùng Công ty 3M Việt Nam), anh Đỗ Trần Anh (Nhà sáng lập kiêm CEO công ty Farmtech Vietnam), chị Mai Hoài Giang (Giám đốc công ty RAROMA)…

Tất cả niềm tin và sự hỗ trợ đó như một trợ lực lớn cho quá trình nghiên cứu của nhóm, giúp nhóm hiểu hơn về cạnh tranh, về thị trường, giúp nhóm bớt “mộng mơ” và đưa những nghiên cứu đến gần hơn với cuộc sống.

TS. Võ Thanh Hằng - Giảng viên Khoa Môi trường & Tài nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Xanh Bách khoa – BKGI chia sẻ: “Nghiên cứu của các bạn là một điều rất đáng tự hào đối với nhà trường và với chính các bạn. Điều này khẳng định được ý nghĩa thiết thực của nghiên cứu khoa học, khẳng định được rằng khi được hỗ trợ, được hướng dẫn, sinh viên có thể biến ý tưởng thành sản phẩm giá trị cho cuộc sống và các em có thể khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp từ chính những nghiên cứu của mình.

Một trong những điểm nổi bật của dự án là sự phát triển bền vững của sản phẩm, đó là phát hiện và phát triển nguồn dược liệu quý giá từ giống cây thực vật bản địa của Việt Nam cũng như tạo cơ hội việc làm cho những người dân tộc tại các khu vực có nguồn dược liệu này, giúp an sinh xã hội và thoát nghèo khi dự án được phát triển sản xuất, cũng như bảo tồn nguồn dược liệu quý giá của chúng ta”.

 trà túi lọc an thần
Nhóm MED TECH (từ trái sang phải): Lâm Hiền Xương, Trần Tường Vy, Phạm Thanh Thảo Nguyên, Nguyễn Long Hoàng, Nguyễn Hoàng Phong.

Đến nay, nhóm MED TECH đã trồng thí điểm thành công 1.000 m2 dược liệu assamica tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây là quê nhà của Tiến - một thành viên trong nhóm nên nhóm đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các phụ huynh trong quá trình trồng thí điểm. Ba của Tiến vốn là một dược sĩ Đông y, có rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây thuốc nên đây có thể coi là lợi thế của nhóm.

Hiện nay, đã có hai công ty mong muốn chuyển giao công nghệ sản xuất Trà giải lo âu Assamica. Tuy nhiên, nhóm đang thận trọng từng bước nghiên cứu, lên kế hoạch kỹ càng hơn để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp và triển khai sản xuất đại trà sản phẩm trà dược liệu này.

MED TECH ban đầu chỉ gồm hai thành viên là Nguyễn Long Hoàng - sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) và Võ Viết Tiến - sinh viên ngành Dược học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tuy nhiên đến nay đã có thêm 4 bạn sinh viên nhiệt huyết của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tham gia vào nhóm là Nguyễn Hoàng Phong - chương trình Chất lượng cao ngành Công nghệ Thực phẩm, Phạm Thanh Thảo Nguyên, Trần Tường Vy - chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học và Lâm Hiền Xương - chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hàng không.

MED TECH tập hợp 6 bạn trẻ với những nét tính cách không giống nhau nhưng lại có chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Tất cả thành viên đều mong muốn tạo ra một sản phẩm made in Vietnam hiệu quả, chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Bình luận