Tiêu điểm: Nhân Humanity

Số trường đại học đào tạo ngành Logistics tại Việt Nam tăng nhanh

(VOH) - Nếu như năm 2008, tại Việt Nam chỉ có 1 trường đại học đào tạo ngành Logistics thì đến nay đã có 49 trường đại học và 65 trường cao đẳng/trung cấp đào tạo ngành này.

Tại Hội thảo Nguồn nhân lực trong lĩnh vực Quản lý cảng và Logistics do Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp tổ chức, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa cho biết, trong hơn 10 năm qua (từ năm 2008 - 2021), số lượng trường và quy mô tuyển sinh đối với ngành/chuyên ngành Logistics tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng, nhất là trong 3 năm trở lại đây.

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa
PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội VALOMA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, Trưởng bộ môn Logistic và Chuỗi cung ứng của trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) chia sẻ các thông tin về ngành Logistics và cơ hội nghề nghiệp của ngành Logistics.

Nếu như năm 2008, tại Việt Nam chỉ có trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành “Logistics và vận tải đa phương thức” thì đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49/286 trường đại học trên phạm vi cả nước tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành Logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng sinh viên đang theo học khoảng 7.000.

Đối với hệ cao đẳng/trung cấp, có 69/936 trường đào tạo ngành học này với chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp.

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa đánh giá, ngành Logistics có tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo ra cơ hội việc làm lớn cho sinh viên theo học các chuyên ngành này. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng các trường, đơn vị đào tạo ngành học Logistics cũng tạo ra những thách thức cho sinh viên. Đó là các bạn phải học làm sao, học như thế nào để có đủ kiến thức, đủ tự tin, đủ khả năng cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động…

Theo đó, để thích ứng với những biến động và rủi ro, sinh viên cần trang bị thêm các kỹ năng về nghề nghiệp, thái độ ý thức (làm việc độc lập, kỷ luật…), năng lực quản lý (phân tích và xử lý tình huống, thương lượng, đàm phán…), phát triển năng lực sáng tạo, chịu áp lực cao… Ngoài ra, các bạn cũng cần nắm bắt các thông tin trong ngành để có thêm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

ngành Logistics

Ngành Logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế (Ảnh: openpr)

Logistics là một khái niệm tương đối mới nhưng không còn quá xa lạ trong 10 năm trở lại đây. Sự phát triển vượt bậc của thương mại quốc tế, thương mại điện tử và cuộc cách mạng 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng khiến ngành Logistics nóng hơn bao giờ hết. Vai trò quan trọng của ngành này trong xã hội hiện đại là không thể phủ nhận, đặc biệt là ở nước ta, một quốc gia có vị trí chiến lược trong phát triển hệ thống cảng và logistics.

Theo nhận định của các chuyên gia, dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, hoạt động Logistics ở thập niên thứ ba của thế kỷ 21 sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt sẽ tập trung vào một số xu thế như big data, blockchain, logistics đô thị, trung tâm logistics, chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch vụ giá trị gia tăng (VAS - Valued Added Service)...

Cuộc cách mạng này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm của lĩnh vực Logistics, đòi hỏi nhân lực logistics cần đáp ứng được những yêu cầu mới của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 29.694 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ logistics, bao gồm: dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi, bốc xếp bưu chính chuyển phát...

Trong đó, hiện có 11.942 doanh nghiệp logistics có quy mô dưới 5 người; 9.403 doanh nghiệp có từ 5 - 9 người; 7.252 doanh nghiệp có từ 10 - 49 người; 856 doanh nghiệp có từ 50 - 199 người; 86 doanh nghiệp có từ 200 - 299 người; 77 doanh nghiệp có từ 300 - 499 người; 53 doanh nghiệp có từ 500 - 999 người; 18 doanh nghiệp có từ 1.000 - 4.999 người và 7 doanh nghiệp có trên 5.000 người.

Trên cơ sở số liệu thống kê này có thể ước tính quy mô nhân lực trung bình tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khoảng 20 người/doanh nghiệp.

Bình luận