Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thầy cô sáng tạo nhiều giải pháp phục vụ dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19

(VOH) - Dù dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành giáo dục, nhưng bằng những giải pháp sáng tạo, trường phổ thông vẫn ứng phó dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu dạy - học và từng bước số hóa trong day và học.

Điều đáng nói là những giải pháp sáng tạo này do chính giáo viên học hỏi, nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin....để phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học trong nhà trường.

Công tác chuẩn bị cho năm học 2021-2022 đang gần kề, những giải pháp hỗ trợ cho trường phổ thông ứng phó và thích nghi dịch Covid-19 được chính các giáo viên trong trường phổ thông sáng tạo và áp dụng. Các giải pháp được chính các giáo viên trong trường nghiên cứu, sáng tạo, đa phần đều không tốn nhiều chi phí để triển khai, nhưng lại rất thiết thực và gắn liền với hoạt động giảng dạy, hậu cần cho trường học, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

 từng bước số hóa trong day và học.
Từng bước số hóa trong dạy và học. Ảnh minh họa

Ông Dương Quốc, nguyên giáo viên trường Trung học cơ sở Tân Túc, Bình Chánh đã biên soạn 4 bộ tài liệu về hướng dẫn ứng dụng các phần mềm Crocodile ICT (mô phỏng thuật toán trên máy tính) và Crocodile Physics (mô phỏng thí nghiệm điện, quang, cơ, sóng, …), đồng thời đề xuất nhà trường ứng dụng trong dạy và học theo định hướng STEM, có thể áp dụng trong các hình thức dạy học trực tuyến, đào tạo qua truyền hình, dạy học từ xa. Tác giả Dương Quốc cho hay: “Đối với tài liệu hướng dẫn, giáo viên có tài liệu để hướng dẫn còn học sinh có tài liệu để học và biết sử dụng phần mềm này. Bởi vì nếu các em biết sử dụng hai phần mềm Crocodile ICT và Crocodile Physics thì các em mới tiếp cận được những thuật toán, những ứng dụng phần mềm này trong việc tích hợp liên môn, STEM. Trong thời điểm dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 hai năm nay thì việc ứng dụng hai phần mềm này trong dạy trực tuyến sẽ hiệu quả hơn”.

Cụ thể, các bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách thức cài đặt, sử dụng các phần mềm Crocodile ICT và Crocodile Physics. Qua đó, giáo viên có thể sử dụng để soạn nội dung giảng dạy, còn học sinh có thể tự học và thực hành tại nhà, hoặc theo sự hướng dẫn của giáo viên. Nội dung bộ tài liệu cũng được dùng để bồi dưỡng học sinh thi Toán - Tin cấp huyện và cấp Thành phố. Mặt khác, việc sử dụng tính năng mô phỏng thí nghiệm thực hành bằng các phần mềm Crocodile ICT và Crocodile Physics còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị thí nghiệm thật (khoảng 10 triệu đồng/bộ). Quan trọng hơn cả, từ việc triển khai ứng dụng các phần mềm nói trên, học sinh tăng khả năng phân tích và tổng hợp, tham gia sôi nổi vào bài học, mạnh dạn hơn trong việc bộc lộ kiến thức.

Ở bộ môn Mỹ thuật, giáo viên Nguyễn Thị Kim Thành, trường Tiểu học Bình Mỹ, huyện Cần Giờ xây dựng 7 nội dung gồm: vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện; vẽ biểu cảm; vẽ theo nhạc; phương pháp xây dựng câu chuyện; tạo hình 3D - tiếp cận theo chủ đề (tạo hình từ vật tìm được); điêu khắc - nghệ thuật tạo hình không gian (nghệ thuật sắp đặt, hình ảnh, biểu diễn và sắm vai); tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn. Các nội dung này sẽ giúp học sinh sử dụng tất cả các giác quan, phát triển nhiều trí tuệ như: ngôn ngữ, âm nhạc, lôgic, thị giác, vận động, trí tuệ nội tâm và liên kết cá nhân. Theo đó, giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy và kết hợp nhiều kỹ thuật để khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mỹ vốn có học sinh. Nhờ đó, các em tự do phát huy tính sáng tạo, thỏa sức khám phá, tìm tòi khiến tiết học trở nên thoải mái và sinh động. Từ bài vẽ, học sinh tiếp tục tư duy, trang trí đồ vật bất kỳ hay vẽ thêm vào theo một chủ điểm yêu thích. “Các em vui hơn, học hứng thú hơn thì tác phẩm của các em cũng sẽ màu sắc hơn, sáng tạo hơn. Nói chung, với kết quả của các em, mình cũng cảm thấy hài lòng, bản thân mình cũng hứng thú hơn và lại muốn làm nhiều hơn. Mình lại muốn sáng tạo ra thêm nhiều cách để hướng dẫn các em mới hơn. Nói chung, khi học sinh thích thì giáo viên cũng thích, bài của các em đẹp, mình cũng cảm thấy như bản thân đạt được một thành công nào đó dù nhỏ thôi, trong sự nghiệp của mình”, Giáo viên Kim Thành chia sẻ.

Một vấn đề thiết thực khác được nhà trường ứng dụng công nghệ để phục vụ tốt hơn, linh hoạt hơn cho phụ huynh và học sinh, đó là giải quyết ùn tắc giao thông khu vực trước cổng trường. Các thầy cô trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, quận Tân Bình đã thực hiện mô hình tương tác thông tin giao thông trước giờ đón học sinh giữa nhà trường và phụ huynh thông qua các công cụ như Zalo và Facebook, kết hợp với việc phân luồng hướng đi, kẻ vạch đậu xe. Thầy Nguyễn Hoàng Sang, giáo viên môn Tin học – Bí thư chi đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền chia sẻ: “Thông thường đầu năm học, mình thống kê phụ huynh đưa đón con bằng phương tiện gì, sau đó đưa phụ huynh vào nhóm Zalo. Mình thấy phụ huynh cùng đồng tình làm theo và không có ngại bị làm phiền trên Zalo. Trường cũng đặt ra nội quy cho nhóm, đây là những thông báo về giao thông, những vấn đề trước cổng trường để phụ huynh thuận tiện đón con em. Mình thấy giải pháp này thuận tiện, tiện lợi, không tốn kém nhiều, mà còn gần gũi nữa”.

Thông qua loạt ký hiệu về giao thông cổng trường đơn giản, cùng với ảnh chụp từ camera hoặc chụp trực tiếp, nhà trường thông báo cụ thể tình hình giao thông trước cổng trường, từ đó phụ huynh sẽ tự chọn lộ trình và thời gian thích hợp để chủ động đón học sinh. Nhờ giải pháp ứng dụng công nghệ để trao đổi thông tin rất đơn giản này, vấn đề ách tắc giao thông trước cổng trường đã được giải quyết, đảm bảo an toàn hơn cho phụ huynh học sinh và người dân.

Thực tế, các giải pháp ứng dụng công nghệ để sáng tạo nhiều giải pháp cho trường phổ thông nêu trên đa phần đều không tốn nhiều chi phí để triển khai. Từ những giải pháp đơn giản nhưng đầy tính sáng tạo này, nhà trường có thể xây dựng kế hoạch và đầu tư để nâng cao chất lượng giảng dạy, phục vụ tốt hoạt động hậu cần, tăng cường mối liên kết và sự tương tác với phụ huynh trong và ngoài nhà trường.

Bình luận