Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Việt Đức

(VOH) - Sáng 22/6, trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, làm việc với Đại học Việt-Đức.

Biểu dương sự tiến bộ vượt bậc của trường trong 9 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về số bài báo, công trình khoa học của trường được công bố, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, các phòng thí nghiệm hiện đại... Đặc biệt, trường đã tạo được niềm tin xã hội đối với chất lượng đào tạo đại học.

Nhìn nhận đây là ngọn hải đăng trong mối quan hệ hai nước, Thủ tướng mong muốn Đại học Việt Đức là biểu tượng, là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế và là cầu nối hữu nghị giữa người dân, thế hệ sinh viên hai nước Việt Nam-Đức, gắn kết nền giáo dục uyên bác, nền kỹ nghệ bậc cao, nền kinh tế giàu mạnh bậc nhất của nước Đức, chuyển tải cho được nền kỹ thuật cơ khí tinh xảo và tân tiến của nước Đức vào công cuộc cải cách giáo dục và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Đại học Việt-Đức. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Nhân đây, tôi nói lại một lần nữa rằng Việt Nam mong muốn phát triển ngành công nghiệp cơ khí, không phải lắp ráp mà chế tạo thiết bị, cơ khí ô tô… với thế mạnh và đánh giá của nền công nghiệp ô tô Đức”, Thủ tướng nhấn mạnh. Vì vậy, Việt Nam mong muốn Đại học Việt Đức sẽ đào tạo tại Việt Nam và cho Việt Nam những kỹ sư, những nhà kỹ thuật xuất sắc để có thể tự làm chủ được nền công nghiệp cơ khí của mình.

Trường cần tham gia một cách chủ động và tích cực vào mục tiêu cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mà Việt Nam định hướng phát triển và trường có lợi thế như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện, cơ khí, phát triển đô thị…

Thủ tướng cũng mong muốn Đại học Việt Đức cần sớm trở thành mô hình trường đại học chuẩn mực, theo định hướng nghiên cứu của Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đại học Việt Đức phải lấy kết quả nghiên cứu làm thước đo cho thành quả và danh tiếng của trường; cùng tham gia giải quyết các vấn đề phát triển ở Việt Nam. Những nghiên cứu này phải thực chất, có khả năng áp dụng vào thực tiễn, tạo ảnh hưởng, làm tăng uy tín, cải thiện năng lực và thành tích nghiên cứu của nền khoa học Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị đưa trường trở thành trung tâm nghiên cứu của nước Đức tại Việt Nam và ASEAN, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cho rằng mục tiêu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam mà trường đặt ra là khá khiêm tốn, Thủ tướng đề nghị “các vị hãy xếp hạng tiên tiến về chất lượng đào tạo, về nghiên cứu ứng dụng của khu vực và thế giới”. Đây là mục tiêu rất cao nhưng Thủ tướng tin tưởng với cách làm và bước đi trong thời gian qua, cùng sự hỗ trợ của hai Chính phủ, nhất định trường sẽ đạt được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cán bộ Đại học Việt Đức. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về các kiến nghị của trường, Thủ tướng nhất trí sẽ làm việc với phía Đức để có một hiệp định Chính phủ để làm cơ sở pháp lý quan trọng, lâu dài để phát triển Đại học Việt Đức.

Về cơ chế tài chính đặc thù, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự chủ đại học và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình một cơ chế, tạo điều kiện tốt nhất cho Đại học Việt Đức phát triển.

Được thành lập năm 2008, Đại học Việt Đức là đại học công lập đầu tiên thuộc dự án xây dựng đại học mô hình mới theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và Quyết định 145/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.

Được thành lập trên cơ sở họp tác quốc tế giữa Việt Nam và CHLB Đức, bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính của hai Chính phủ, trường nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về học thuật của Hiệp hội gồm hơn 30 trường đại học đối tác Đức.

Nhân dịp về thăm và làm việc tại Bình Dương, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, tưởng nhớ bia tưởng niệm Suối Mạch Máng - phường Tân Bình, thị xã Dĩ An – địa danh lịch sử nơi diễn ra trận đánh suối Mạch Máng - còn gọi là Suối Sọ vào ngày 4/5/1968. Cách đây 49 năm, tại đây, đã diễn ra trận chống càn vô cùng dũng cảm, kiên cường của bộ đội chủ lực của ta cùng bộ đội địa phương và cán bộ dân quân du kích 2 xã Tân Hiệp và Bình Trị, đánh trả hàng chục đợt tấn công ác liệt của kẻ thù.

Thủ tướng ân cần hỏi thăm sức khỏe cụ Lê Thị Não. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà cụ bà Lê Thị Não, 94 tuổi, cựu chiến binh bị địch bắt, tù đày hiện đang sinh sống tại xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Bình luận