TPHCM: Doanh nghiệp đầu tư giáo dục than khó vì quỹ đất

VOH - Tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp tham gia giáo dục đào tạo với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM diễn ra vào chiều 6/10, nhiều đơn vị phản ánh tình trạng khó khăn trong quỹ đất để phát triển.

Thiếu quỹ đất, thiếu vốn, vướng quy định...

Tập đoàn Việt Mỹ với hệ thống trường mầm non, tiểu học và trung tâm ngoại ngữ cho biết, đất giáo dục cho doanh nghiệp đầu tư thường nằm ở địa bàn xa, lại thuộc sở hữu của người dân, chi phí đền bù lớn.

Công ty đầu tư giáo dục Angle Kid, có chi nhánh tại nhiều quận huyện, lại gặp khó khăn do vướng quy định đất giáo dục khi muốn mua lại các nhóm, lớp vốn phát triển trên diện tích đất ở đô thị. Tuy nhiên, theo quy định mới, để được tái cấp phép, các nhóm lớp phải chuyển sang đất giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng THPT Thăng Long Q.5
Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng THPT Thăng Long Quận 5 nêu ý kiến - Ảnh: T. Nhung

Tình trạng này cũng diễn ra tại Trường THPT Thăng Long, Quận 5. Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đơn vị hiện đang thiếu nhiều phòng học.

Do nhà trường nhận nhiều đối tượng học sinh khó khăn nên một số nhà dân muốn hỗ trợ để mở rộng trường, giúp nhiều học sinh có điều kiện học tập nhưng việc này cũng gặp một số khó khăn.

“Hiện tại, có một số nhà hảo tâm muốn đưa cơ sở vật chất của họ cho trường hoạt động, nhưng lại vướng quy hoạch đất thổ cư, không phải đất giáo dục. Họ không thể chuyển đổi sang đất giáo dục cho trường, giúp đỡ trường được” – bà Mai chia sẻ.

Ông Bùi Thanh Sơn, đại diện Công ty Giáo dục sớm đề nghị: “Thành phố thông tin thêm cho các doanh nghiệp biết được khu vực nào thành phố cần đầu tư thêm trường, thêm lớp để hỗ trợ quá trình xã hội hoá giáo dục nhanh hơn, tốt hơn.

Thứ hai, chúng tôi quan tâm đến vốn vay ưu đãi cho các dự án giáo dục. Chúng tôi xác định phải làm trong nhiều năm nên cũng mong những hỗ trợ từ thành phố, từ địa phương để quá trình đầu tư thuận lợi hơn”.

Đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư giáo dục

Thực tế, những năm qua, các trường ngoài công lập đã chia sẻ áp lực rất lớn cho các trường công lập. Thành phố đang có chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp. Trong đó, lưu ý thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.

Sở Tài nguyên Môi trường cũng hướng dẫn các đơn vị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian nhất định (sau đó sẽ trở về đất ở như ban đầu). Tuy nhiên, phải thông qua quy hoạch kiến trúc, phù hợp giao thông, chỉ tiêu xây dựng, công tác phòng cháy chữa cháy...

Trước những ý kiến của các trường, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, doanh nghiệp cần xác định đầu tư giáo dục khó có thể thu lợi nhanh. Thành phố hiện đang triển khai đề án đất giáo dục, trong đó dự kiến có khoảng 106 đề án kêu gọi đầu tư bên ngoài với nhiều hình thức. Tuy nhiên mức đầu tư phải xứng tầm, với 86 dự án có mức đầu tư trên 100 tỷ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện có 51% học sinh mầm non, 20% học sinh THPT học ngoài công lập.

Ông ghi nhận: “Giáo dục thành phố luôn luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đây là sự chia sẻ về áp lực và đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân thành phố, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị nền tảng cho nguồn nhân lực thành phố”.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, TPHCM là một trong những trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước. Thành phố cần con người, phương tiện, cơ sở hạ tầng tốt để đáp ứng mong mỏi các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý: “Khi tham gia lĩnh vực giáo dục với trách nhiệm đào tạo con người, nhà đầu tư cần làm đúng, làm đủ trách nhiệm. Làm sao giúp đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, có tư cách đạo đức tốt bên cạnh việc có kiến thức chuyên môn. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, cần có tâm. Một trong những biểu hiện của sự có tâm là phải hiểu rõ và thượng tôn pháp luật”.

Bình luận