Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM dự kiến đón học sinh cuối cấp trở lại trường từ tháng 12

(VOH) - Sáng 29/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết sẽ xây dựng phương án, đề xuất học sinh các lớp cuối cấp được trở lại trường vào đầu tháng 12.

Năm học 2020-2021 là năm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy nhiên, ngành giáo dục đã có sự chủ động, linh hoạt sáng tạo để có thể thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các đoạn phim ngắn về hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà, trang bị những nội dung cốt lõi chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1. Sở cũng đã nhanh chóng điều chỉnh kịp thời công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhiều quận huyện đã đưa ra các giải pháp thiết thực như: Quận Tân Phú thí điểm mô hình dạy học trực tuyến ở buổi hai nhằm giải quyết vấn đề cơ sở vật chất nhà trường tăng số lượng, thời lượng dạy học 2 buổi/ngày; Quận 5 với sáng kiến nâng cao chất lượng dạy học thông qua việc khai thác đồ dùng dạy học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết dự kiến đầu tháng 12 Sở sẽ phối hợp kiểm tra, rà soát, đánh giá cấp độ dịch của địa phương. Từ đó, có phương án đề xuất UBND Thành phố về việc dạy học trực tiếp ở các lớp cuối cấp 9, 12. "Hiện nay, Ban chỉ đạo Covid-19 các quận huyện đã chuyển giao lại các trường để ngành giáo dục chuẩn bị cho năm học mới.

Dù các trường đang dạy và học trên internet nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng để tiếp nhận và chuyển sang trạng thái học trực tiếp. Sau khi đánh giá mức độ cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố, ngành giáo dục sẽ tổ chức dạy và học trực tiếp trở lại".

TPHCM dự kiến đón học sinh cuối cấp trở lại trường từ tháng 12 1
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND Thành phố.  

Các đại biểu cũng cho rằng năm học 2021-2022 đang diễn ra lại càng khó khăn hơn mặc dù ngành giáo dục đã chủ động hình thức dạy học, đề ra các biện pháp kịp thời, xác định các đề án trọng tâm để thực hiện.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ nhân viên nhà trường vẫn còn một số bất cập do chưa có định biên và chế độ chính sách phù hợp thu hút đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học, giáo viên tư vấn tâm lý, giám thị... Lực lượng nhân viên hợp đồng tại các trường cũng gặp nhiều khó khăn do trường không có nguồn thu. Trong khi, triển khai chương trình giáo dục 2018 các hoạt động ngoài lớp học nhiều hơn, việc phòng chống dịch trong nhà trường cũng đòi hỏi lực lượng này làm việc tích cực, vất vả hơn. 

Ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, Cụm trưởng Cụm chuyên môn 3 thông tin: "Riêng bộ phận lao công phục vụ các thầy cô phải đến trường trực để đảm bảo an ninh trật tự trong nhà trường. Tuy nhiên, do trường không hoạt động, không thu học phí buổi 1 và cả học phí buổi 2 nên lương một số nhân viên hợp đồng gặp khó khăn. Nhà trường cố gắng lắm, lấy từ quỹ trước tích luỹ lại cũng chỉ có thể trả được 50% lương cho các nhân viên".

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết thành phố đã trải qua thời điểm rất đặc biệt. Hơn 4 tháng qua cùng với những ngành nghề khác, ngành giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Học sinh thành phố phải học tập trong môi trường không mong đợi khi nội dung chương trình giáo dục bình thường phải chuyển tải qua hình thức internet.

Phó chủ tịch UBND Thành phố ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục Thành phố, đồng thời yêu cầu có chính sách quan tâm hỗ trợ đời sống của đội ngũ giáo viên, nhân viên... trường học : "Dạy học mục đích đầu tiên là phải chất lượng. Muốn làm được điều đó, cần phải có rất nhiều điều kiện để đảm bảo. Ngoài sự nỗ lực chủ quan của từng thầy cô, cần có những điều kiện hỗ trợ cho giáo viên không những hoàn thành tốt mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu ngành giáo dục sẵn sàng tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ngay khi đảm bảo các tiêu chí có thể triển khai việc học tập trực tiếp trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, đẩy nhanh chương trình "sóng và máy tính cho em" cũng như phải sẵn sàng ứng phó với những đợt dịch tiếp theo nếu có.

Bình luận