Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM: Nên có phương án dự phòng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để phòng chống dịch tốt nhất

(VOH) - TPHCM đã sẵn sàng các phương án phòng dịch để tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT trong tuần tới, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên hoãn kỳ thi này.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8/7/2021. Tại TPHCM, Sở Giáo dục và Đào tạo đã sẵn sàng các phương án phòng dịch để tổ chức kỳ thi trong tuần tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố vẫn gia tăng, việc quyết định học sinh Thành phố có nên thi vào đợt 1 chung với các địa phương khác đang là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau.

COVID-19, thi tốt nghiệp
Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi (Ảnh: TN)

Mấy hôm nay, ông Trần Quang Thọai, ngụ Quận Bình Tân, có con đang học lớp 12 trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Quận 6) vừa lo lắng cho việc học của con, vừa phải dõi theo thông tin về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại TPHCM.

Ông cho biết, học sinh trường con mình phần lớn ở Quận Bình Tân, Quận 8, Huyện Bình Chánh... đều là những địa bàn có nguy cơ cao. Dù gia đình ông không thuộc khu vực phong tỏa nhưng nếu Thành phố quyết định cho học sinh 12 thi vào tuần sau, ông không khỏi lo lắng.

"Trước tình hình dịch bệnh này, tôi kiến nghị kỳ thi tạm dời lại. Đang căng quá mà mấy đứa nhỏ tập trung thi là rất nguy hiểm. Bình Tân hiện giờ đỉnh dịch cao, cũng chưa có biện pháp hạn chế hiệu quả. Tôi nghĩ, tình hình sức khoẻ của cộng đồng, gia đình quan trọng hơn", ông Thoại nêu ý kiến.

Trái ngược với nỗi lo của vị phụ huynh trên, bà Lý Trọng Mỹ Thư, có con học lớp 12, Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu (Quận Bình Thạnh), cho biết, trường chỉ ôn tập online cho con đến ngày 2/7. Nếu không thi đợt này chị lo con sẽ lơ là học tập.

Bà Thư chia sẻ: "Mình cũng sợ nhưng bây giờ nếu để kéo dài qua đợt 2 thì kiến thức để đi thi con sẽ quên hết. Tôi nghĩ. Nếu Thành phố cho thi đợt 1 thì cũng phải sắp xếp sao cho thí sinh giãn cách để an toàn".

Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang (Quận 5) cho biết, tâm lý học sinh muốn thi đợt 1 để đỡ phải lo lắng, vì càng kéo dài lại càng lo. Tuy nhiên, cũng có em muốn hoãn thi, chậm lại.

Thống kê tại trường có 116/275 (tỷ lệ 42%) phụ huynh không yên tâm và không đồng ý cho con em tham gia thi đợt 1. Có 96/275 (tỷ lệ gần 35%) phụ huynh không yên tâm nhưng đồng ý và 32/275 (tỷ lệ 11%) phụ huynh yên tâm và đồng ý cho con tham gia thi.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang cho biết, nhà trường vẫn triển khai công tác chuẩn bị thi theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo: "Dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường như vậy nếu chờ cũng không biết ra sao, tới khi nào. Bên cạnh thực hiện Chỉ thị 10, tôi nghĩ mọi việc nên diễn ra bình thường vì nếu chờ dịch để làm sẽ gây ảnh hưởng nhiều công tác khác. Học sinh nào thi đợt 1 thì thi, còn nếu các em trong khu vực phong tỏa thì được thi đợt 2. Không việc gì phải lo lắng".

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) cho rằng, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, tăng nhiều ở tất cả quận huyện và đã thâm nhập vào cả các chợ. Số lượng các điểm phong tỏa ngày càng nhiều, gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh cũng như người dân. Hiệu trưởng này cho rằng, giải pháp xét nghiệm cho toàn bộ thí sinh sẽ tốn nhiều thời gian và kinh phí, trong khi vẫn không thể đảm bảo được từ lúc xét nghiệm đến ngày thi (5 ngày) dịch không lây lan.

Bên cạnh đó, hàng ngàn học sinh các trường tư thục còn ở các tỉnh chưa có được giải pháp thỏa đáng để có thể tham gia kỳ thi.

Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng: "Thi đợt 1 hay đợt 2 thì cấp độ đề cũng như nhau, quyền lợi học sinh vẫn đảm bảo khi xét vào các trường đại học. Hà tất gì chúng ta vội vã để tổ chức kỳ thi trong tình hình mọi người đều phải lo phòng chống dịch. Hiện nay, công tác an dân là công tác hàng đầu, việc thi cử có thể hoãn lại một kỳ cũng không ảnh hưởng đến việc nhập học của các em. Nếu thành phố không bình yên, kỳ thi có diễn ra cũng không nhập học được".

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du cho rằng, năm trước, khi tình hình dịch bùng phát, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo giao về các địa phương xét tốt nghiệp. Nếu có lộ trình chuẩn bị phương án thì năm nay các địa phương đã không bị động.

Tình hình thiên tai, địch họa bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra, nên ngành giáo dục cần có phương án dự phòng để chung tay cùng lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Chính phủ bảo vệ người dân, phòng chống dịch.

Bình luận