Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trả ơn đời bằng công tác khuyến học

(VOH) - Một câu chuyện tươi đẹp về giá trị của người từng nhận học bổng và tạo ra học bổng cho học trò nghèo.

Từ một sinh viên nghèo, đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì không đủ tiền đóng học phí, Nguyễn Văn Cải là một trong 5 sinh viên đầu tiên đã nhận được Học bổng "1 và 1" của Quỹ khuyến học TPHCM.

Những sinh viên vượt khó ngày nào đã lớn lên, trưởng thành và tiếp tục công việc mà phương châm của Hội Khuyến học TP hướng đến: “Người trước rước người sau”, đó là tiếp tục hỗ trợ học bổng, dìu dắt sinh viên nghèo có cơ hội đến trường và thực hiện ước mơ của mình.

Câu chuyện của Nguyễn Văn Cải, người đã chọn cách trả ơn đời bằng công tác khuyến học là một ví dụ như thế.

Khởi đầu từ một suất học bổng

Có lẽ, khi nhắc đến Nguyễn Văn Cải, sinh năm 1980, chúng ta hay nghe kể về anh với rất nhiều câu chuyện vượt khó và hàng loạt những danh hiệu mà TP đã trao tặng. Đó là Giáo viên trẻ tiêu biểu TP, Công dân trẻ tiêu biểu của TP, Gương sáng học đường của Hội Khuyến học TP.

Cuộc sống ấu thơ và con đường học hành của cậu bé ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi gắn liền với chuỗi ngày đến trường không đồng xu dính túi. Anh vừa làm thêm đủ thứ nghề để sống như đi bán báo, phụ hồ, chăn vịt mướn…

Vào lúc bế tắc nhất, học bổng "1 và 1" của Hội Khuyến học TP đã đến với anh, lúc ấy là sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, tiếp sức cho anh thêm động lực rằng, vẫn còn những người hết mực thương yêu và trông cậy vào anh, rằng trên bước đường phấn đấu của anh, luôn có sự tin yêu của mọi người. Và anh đã mạnh dạn bước tiếp.

Câu chuyện vượt khó của Nguyễn Văn Cải của 17 năm trước, nay đã “đơm hoa kết trái” khi anh tốt nghiệp và quay trở về giảng dạy ở ngôi trường cấp ba anh từng học và hiện tại là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, Củ Chi.

Thực hiện đúng lời hứa “người đi trước rước người đi sau”, năm 2002, anh trở về trường và nhanh chóng lập Hội Khuyến học của trường cùng với thầy Lê Đình Hoe, cũng là thầy giáo cũ của anh, đồng thời là Hiệu trưởng của trường.

Từ đó, thầy vận động nhiều nguồn quỹ học bổng cho học sinh có tiền ăn học, rồi vận động mạnh thường quân góp tiền xây nhà tình thương cho các em học trò nghèo.

Thầy Nguyễn Văn Cải trao học bổng cho học sinh khó khăn của trường THPT Quang Trung, Củ Chi

Thầy giáo Nguyễn Văn Cải chia sẻ, học bổng "1 và 1" rất đặc biệt, bởi ngoài ý nghĩa là tiếp sức sinh viên khó khăn tiếp tục đến trường, nó còn hàm chứa ân tình của một ân nhân cụ thể luôn theo dõi, đồng hành cùng với sinh viên thụ hưởng nó, giống như một người cha, người anh đối với con, em của mình trong suốt quá trình học đại học.

“Là người được thụ hưởng học bổng này, chúng tôi rất biết ơn Hội Khuyến học TP và các cấp, đặc biệt là các ân nhân đã đồng hành chia sẻ, hỗ trợ tiếp thêm điều kiện để những sinh viên vượt khó, hiếu học có thêm điều kiện đến trường, thực hiện trọn vẹn ước mơ của mình.

Chúng tôi đã hứa và làm được một điều, đó là khi thành đạt, đông đảo trong số các bạn nhận học bổng quay trở lại để tiếp tục đồng hành với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tùy theo điều kiện, khả năng và công việc của mỗi người” – thầy Cải tâm sự.

Tiếp tục bằng hàng ngàn học bổng

Qua 15 năm, chi hội khuyến học trường THPT Quang Trung, Củ Chi đã hỗ trợ được hơn 3.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ước tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, cho hội đã tặng 43 căn nhà tình thương cho học sinh vượt khó, tặng hơn 120 xe đạp và hàng ngàn dụng cụ học tập, quần áo, sách vở… để giúp cho tất cả các học sinh nghèo trong trường và học sinh các trường lân cận có điều kiện đến trường.

Khi nhắc về những sự đóng góp của anh trong phòng trào khuyến học của TP, bà Lê Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TP tự hào khi nhắc đến một người với nhiều cái đầu tiên: là một trong 5 sinh viên đầu tiên nhận học bổng khi Hội Khuyến học TP ra đời; người đầu tiên đề xuất thành lập và chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên khuyến tài với mục đích các sinh viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, khi về trường làm việc, thầy Cải đã đề xuất thành lập hội khuyến học, Trường THPT Quang Trung cũng là trường đầu tiên lập chi hội khuyến học tại đơn vị trường học.

Bà Lê Minh Ngọc nhận xét: “Phải nói rằng bản thân thầy Cải rất quyết tâm, thể hiện ở mấy điểm: thứ nhất là ngay từ đầu năm học, bao giờ Cải cũng quan tâm đến các em khó khăn để tìm cách giúp đỡ. Thứ hai, Cải luôn theo sát các em. Thứ ba, Cải đi vận động nhiều mạnh thường quân, ban ngành để hỗ trợ cho công tác này. Đặc biệt là khi gửi hồ sơ xét học bổng về Hội Khuyến học TP, bao giờ hồ sơ học sinh của Cải cũng chu đáo, biết chọn đúng đối tượng. Vì vậy, số lượng học sinh sinh viên nhận học bổng chiếm tỷ lệ khá cao”.

Một phong trào hay và ý nghĩa khi nó lan tỏa được tính nhân văn đến với mọi người, mọi tầng lớp. Khi đánh giá hiệu quả của công tác khuyến học tại TP, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP đã từng chia sẻ trong Ngày hội Khuyến học TP mới đây rằng, bà rất ấn tượng với học bổng khuyến học, mà chúng ta hay gọi là học bổng "1 và 1", đây là nét son trong phong trào khuyến học, nhất là khi sinh viên được nhận học bổng quay trở lại tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng.

“Thông qua các hoạt động của câu lạc bộ khuyến tài tạo điều kiện sinh viên nhận học bổng được giáo dục, rèn luyện lý tưởng đạo đức và lối sống, để các em có tri thức, có nghề, có ý thức chăm lo bản thân, gia đình và quan tâm hỗ trợ lại cho cộng đồng. Đây là việc làm thiết thực chúng ta đã làm thành công thời gian qua” – bà Thu đánh giá.

Nhiều người vẫn hay gọi học bổng "1 và 1" là học bổng tình thương, học bổng ân tình, khi lớp đàn anh trưởng thành – là những sinh viên một thời đã nhận học bổng, trở về trao học bổng cho đàn em với tư cách những người tiếp bước, “rước đàn em đi sau”, và con số hơn 2.400 sinh viên được nhận học bổng với số tiền hơn 20 tỷ đồng của Hội Khuyến học TP tính từ khi thành lập đến nay, cũng có sự góp công sức từ những người như thầy Nguyễn Văn Cải.

Họ, cũng giống như thầy Nguyễn Văn Cải, đã chọn cách dìu dắt, giúp đỡ các thế hệ sinh viên khó khăn được tiếp tục đến trường, như một cách trả ơn đời!

Bình luận