Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường

(VOH) - Phiên tòa giả định “Phòng ngừa bạo lực học đường” cho hơn 300 học sinh cấp 3 vừa diễn ra ngày 19/6 tại Quận 8 với mục đích tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành gia đình.

Trước các vụ việc gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây cũng như nhìn nhận nguy cơ bạo lực, xung đột giữa các em học sinh có thể xảy ra trong dịp nghỉ hè, ngày 19/6, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Quận Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 8 phối hợp với Chi hội Luật sư của Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức Phiên tòa giả định với chuyên đề “Phòng ngừa bạo lực học đường” cho hơn 300 học sinh cấp 3 tại Quận 8. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành gia đình cho học sinh trong dịp hè.

Bà Đỗ Trương Hồng Thảo – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 8 cho biết, hiện nay tình hình bạo lực học đường và xâm hại trẻ em diễn ra rất phức tạp trên địa bàn Thành phố, trong đó Quận 8 là quận vùng ven nên việc tiếp cận thông tin và tuyên truyền những hoạt động này đến các em còn hạn chế, vì vậy Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho các em từ tiểu học đến trung học trong các buổi chào cờ đầu tuần cũng như sẽ tiếp tục tổ chức xuyên suốt mùa hè này.

Quận 8 - Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường 1
Phiên tòa giả định với chuyên đề “Phòng ngừa bạo lực học đường” cho hơn 300 học sinh cấp 3 tại Quận 8

Tại phiên Tòa giả định, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng - Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, phiên tòa giả định tại quận 8 là hoạt động khởi động cho chuỗi tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành trong gia đình trong dịp hè.

Và sắp tới, những phiên tòa như vậy sẽ được tổ chức tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố ở các trường học, khu phố, các chung cư và khu lưu trú công nhân. Thông qua phiên tòa các em biết được khi các em phạm tội là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay cả việc các em tưởng rằng khi mình giải quyết mâu thuẫn ở ngoài trường học là không vi phạm bạo lực học đường là sai, vì dù các em có giải quyết mâu thuẫn ở ngoài trường thì các em vẫn là những học sinh của trường đó. Đặc biệt, khi các em đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự rồi, nếu thương tích từ 11% trở lên sẽ bị khởi tố hình sự theo luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017, từ đó các em hiểu và hạn chế được hành vi bạo lực của mình.

Việc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bạo lực học đường; phòng ngừa, ngăn chặn các hành động bạo lực và tác hại, hậu quả của chúng xâm nhập vào trường học. Đồng thời, khi các em phát hiện những vụ bị bạo hành trong gia đình, hay bạo lực học  đường thì các em có thể báo với đường dây nóng quốc gia về trẻ em là 111 hoặc đường dây nóng của Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM là 1800.9069.

Bình luận