Tiêu điểm: Nhân Humanity

Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ hơn 76%

(VOH) - Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ hơn 76%. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy nguồn nhân lực nước ta còn tồn tại nhiều thách thức

Sáng nay ngày 15/8, tại hội thảo "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM giai đoạn 2020-2030", Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định "Hãy cho người Việt Nam cơ hội và công nghệ phù hợp, họ sẽ chứng minh được năng suất lao động của mình".

 dân số vàng, độ tuổi lao động

Hội thảo Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM giai đoạn 2020-2030

Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ hơn 76%. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy nguồn nhân lực nước ta còn tồn tại nhiều thách thức về trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp.

Thống kê cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta chỉ đạt gần 22%, thấp hơn nhiều so với Singapore và Hàn Quốc đều đạt mức khoảng 62%. Nếu tính cả số lao động đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng, tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta đạt gần 50%.

Tuy nhiên, số này vẫn thấp hơn Malaysia 62% và Philipine 67%. Mặc dù năng suất lao động của nước ta được đánh giá tăng nhanh trong thời gian gần đây với khoảng 93 triệu đồng/lao động nhưng vẫn chỉ bằng 7% Singapore, 17% Malaysia, 36% Thái Lan, 42% Indonesia...

Về khía cạnh kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên tốt nghiệp của Việt Nam được đánh giá có kỹ năng nghề nghiệp và tư duy phản biện thấp hơn đáng kể so với các quốc gia Đông Nam Á.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện chỉ đạt 3.79 điểm, theo thang điểm 10, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng.

Theo  PGS TS Nguyễn Hữu Huy Nhật, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM để đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, chỉ có quốc tế hoá giáo dục đại học mới là phương cách hữu hiệu:

"Hợp tác quốc tế sẽ đem đến điều kiện thuận lợi, các cơ hội cho giáo dục Việt Nam đồng thời tạo ra động lực, sức ép để đổi mới hệ thống giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học sẽ dựa vào hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, nâng cao năng lực đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực.

Hợp tác quốc tế cũng sẽ giúp hạn chế chảy máu ngoại tệ, tạo cơ hội công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân. Đây cũng là cơ hội để các đại học Việt Nam giữ chân người học ở lại Việt Nam bằng các sản phẩm quốc tế hoá với chi phí thấp".

 dân số vàng, độ tuổi lao động

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân 

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng một nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột cơ bản là công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam đang trong giai đoạn tiếp cận nền kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế toàn diện trong điều kiện kinh tế xã hội còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới, nên việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế là yêu cầu cấp bách:

"Có 5 nhận diện nhân lực trình độ quốc tế. Đó là những người được đào tạo toàn diện chứ không chỉ là giáo dục đơn ngành. Thứ hai, là có kiến thức về hội nhập quốc tế, các giá trị đa văn hoá và kỹ năng ngoại ngữ. Thứ ba, có gắn kết với doanh nghiệp, có trải nghiệm thực tế. Thứ tư, có tinh thần tự học tự phát triển học tập suốt đời. Cuối cùng là phải có tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp không nhất thiết là phải ra mở công ty mà là tinh thần vượt qua những khó khăn thách thức" .

TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm của cả nước và khu vực về nhiều mặt, trong đó có giáo dục và đào tạo. Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X cũng đã xác định chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá.

Thành phố cũng đang triển khai các bước đi tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học công nghệ để tạo môi trường sống thân thiện, nâng cao hiệu quả làm việc. Vì vậy, định hướng trong đào tạo giáo dục đặc biệt là đào tạo nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.

Cuộc cách mạng 4.0 cũng đề ra yêu cầu cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng sự liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: "Mỗi quốc gia muốn phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ bền vững cần phải đảm bảo các nguồn lực lớn về tài nguyên thiên nhiên, vốn khoa học công nghệ và con người. Trong đó nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển.

Khi chuyển sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu, cộng với xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá quốc tế thì nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia".

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng xu hướng quốc tế hiện nay một mặt yêu cầu nhân lực có trình độ đại học ngày càng tăng, mặt khác cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi. Nghiên cứu cho thấy số ngành nghề mới ra đời sẽ đòi hỏi nhân lực nhiều hơn số người lao động mất việc làm do sự biến mất các ngành nghề.

Nếu chỉ căn cứ vào những con số thống kê mà khẳng định năng suất lao động Việt Nam thấp thì không chính xác. Nhiều tập đoàn quốc tế đã đến Việt Nam đầu tư vì chất lượng nguồn lao động Việt Nam có nền tảng đào tạo tốt. Năng suất lao động phải đi cùng năng suất công nghệ. Yếu kém của Việt Nam là sức đầu tư cho công nghệ thấp.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, nước ta có lợi thế mà nhiều quốc gia không có chính là nguồn nhân lực, giải pháp sắp tới là cần kêu gọi đầu tư nước ngoài, và có môi trường đầu tư tốt:

"Một kỹ sư giỏi làm bằng tay, năng suất sẽ thấp.

Phải có công cụ. Động lực quan trọng nhất của xã hội loài người là công cụ mới phải đi kèm với lao động mới. Nếu chúng ta có kỹ sư điện tử, kỹ sư nông nghiệp mà cứ làm bằng cuốc bằng tay làm sao năng suất cao được. Cái gốc là năng suất lao động phải đi theo năng suất của công nghệ.

Phải có đầu tư. Cái yếu của Việt Nam chính là sức đầu tư cho thiết bị công nghệ rất thấp  so với các nước, bởi vì GDP đầu người thấp làm sao đầu tư được nhiều. Nếu thiết bị công nghệ tốt lên, người Việt Nam làm chủ được hết. Hãy cho người Việt Nam cơ hội và công nghệ phù hợp, họ sẽ chứng minh được năng suất lao động của mình". 

Bình luận