Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách phân biệt thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông

(VOH) – Sự khác nhau giữa thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông? Nhiệm vụ, quyền hạn, và thanh tra giao thông có được yêu cầu dừng xe kiểm tra hay không?

1. Thanh tra giao thông là ai?

Thanh tra Giao thông (TTGT) thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, an toàn giao thông vận tải và xử lý các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải đối với các cơ quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân; kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Cách nhận biết thanh tra gia thông, phù hiệu, đồng phục: 

  • Phù hiệu: Có biểu tượng hình tròn đỏ, ở giữa có ngôi sao 05 cánh màu vàng, phía dưới là bánh xe lịch sử màu vàng in dòng chữ “TTGT”, vành tròn ngoài là 02 cành lá ô liu màu vàng trên nền màu xanh.  
  • Cấp hiệu: Thanh tra Giao thông đeo trên áo ở hai vai (ga lông) để phân biệt các chức danh Thanh tra Giao thông khi làm nhiệm vụ. Cấp hiệu bằng nỉ màu xanh tím than (xanh thẫm) viền nỉ kim tuyến xung quanh (màu vàng đối với cấp Đội Thanh tra Giao thông trở lên, màu trắng đối với cấp Thanh tra viên Thanh tra Giao thông) 
  • Trang phục bao gồm: Áo, quần (xuân-hè, thu-đông), mũ keepi, cà vạt (caravat), thắt lưng, giầy da, bít tất, dép quai hậu, ủng cao su, mũ bảo hiểm, sao mũ, cành tùng, cầu vai, cấp hàm, biển tên, quần áo đi mưa, cặp tài liệu.
  • Cảnh sát giao thông (CSGT) là người trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm luật giao thông, các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật khác trên các tuyến đường, địa bàn giao thông công cộng theo quy định của pháp luật.
Cách phân biệt thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông ảnh 1
Quy định về phụ kiện của Thanh tra Giao thông

2. Nhiệm vụ và quyền hạn 

2.1 Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Giao thông

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định Thanh tra giao thông đường bộ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

  • Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ; trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;
  • Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ;
  • Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới. Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
  • Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2.2 Nhiệm vụ và quyền hạn của Cánh sát Giao thông

Điều 7 Thông tư 65/2020/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 05/8/2020) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, cụ thể bao gồm:

  • Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  • Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.
  • Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
  • Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
  • Chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ và tham gia phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
  • Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
  • Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
  • Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.
  • Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
  • Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
  • Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Xem thêmQuy định bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông mới nhất 2020

3. Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông được yêu cầu dừng xe trong những trường hợp nào?

Thông tư 02/2014/TT-BGTVT có quy định Thanh tra giao thông được yêu cầu dừng xe trong những trường hợp sau đây:

+ Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 55 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

+ Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:

  • Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ
  • Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ
  • Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định
  • Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ

Theo đó, ngoài 4 trường hợp trên thanh tra giao thông chỉ được dừng xe khi có cảnh sát giao thông hoặc lực lượng công an khác.

Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

  • Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
  • Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
  • Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
  • Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
  • Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo đó, cả TTGT và CSGT đều có quyền dừng xe đang lưu thông để xử phạt.

Có thể hiểu thanh tra giao thông chỉ được dừng xe để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến công trình đường bộ (chở quá trọng tải, dừng đỗ trái phép gây cản trở giao thông...). Còn cảnh sát giao thông có quyền dừng xe đang lưu thông để kiểm tra hành chính trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính xâm hại đến trật tự an toàn giao thông (đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ...)…

Bình luận