Đồng Nai đề xuất xây cầu Mã Đà 4 làn xe nối liền Bình Phước

VOH - UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối với tỉnh Bình Phước, quy mô 4 làn xe giai đoạn 1.

heo đề xuất, cầu Mã Đà sẽ được xây dựng bắc qua sông Mã Đà - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.

Dự án nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, kết nối Đồng Nai với Bình Phước và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.

Cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai bị hư hỏng trong chiến tranh - Ảnh SGGPO
Cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai bị hư hỏng trong chiến tranh - Ảnh: SGGPO

Cụ thể, phương án kết nối được lãnh đạo hai tỉnh lựa chọn gồm tuyến đường từ TP Đồng Xoài (Bình Phước) đi theo ĐT 753, qua cầu Mã Đà vào địa phận Đồng Nai, sau đó tiếp tục theo các tuyến địa phương đến đường vành đai 4 TPHCM, tổng chiều dài khoảng 76km.

Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 46km, phần lớn đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Để hạn chế tác động đến môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất xây dựng cầu cạn dài khoảng 5km qua khu vực rừng tự nhiên.

UBND tỉnh Đồng Nai trình Thủ tướng hai phương án đầu tư:

Phương án 1: Xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.020 tỉ đồng (gồm 220 tỉ đồng xây cầu và 10.800 tỉ đồng cho tuyến đường). Diện tích đất rừng đặc dụng cần chuyển đổi khoảng 45ha, dự án thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là HĐND tỉnh.

Phương án 2: Đầu tư đồng bộ theo quy hoạch với quy mô 8 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 17.590 tỉ đồng, cần chuyển đổi 85,5ha đất rừng. Dự án thuộc loại quan trọng quốc gia, phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án 1 để đảm bảo tiến độ, giảm chi phí đầu tư ban đầu, phù hợp với quy mô giai đoạn 1 của đường vành đai 4 TPHCM.

Do dự án đi qua hai tỉnh và đoạn qua Đồng Nai chưa có trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh các phụ lục quy hoạch giao thông, đất đai để bổ sung dự án.

Kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách tỉnh và đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương để triển khai dự án.

Khi hoàn thành, cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối sẽ tạo trục giao thông chiến lược, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Đồng Nai và Bình Phước, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho khu vực Đông Nam Bộ.

Bình luận